ClockThứ Năm, 17/04/2014 05:22

Ta có Huế tự hào ở chỗ nào?

TTH - Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành Trung tâm văn hóa đặc sắc gắn với phát triển du lịch là chủ đề của cuộc tọa đàm khoa học diễn ra trong khuôn khổ Festival Huế 2014, do Quỹ nghiên cứu phát triển miền Trung và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức. Ý tưởng đề tài nghiên cứu dựa vào một nội dung quan trong tại Kết luận số 48 của Bộ Chính trị.

Là trung tâm văn hóa đặc sắc hẳn nhiên phải vượt trội và có tính khác biệt với các trung tâm nằm ở các vùng miền khác. Nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông là khai thác tối đa các giá trị riêng có của Huế. Theo Nguyễn Hữu Thông, “Huế mình” là nét riêng, trong đó có cả sự bảo thủ niềm tự hào.

Vậy “ta có Huế tự hào” là ở chỗ nào?

Ai cũng có thể khẳng định là di sản văn hóa. Theo tôi, cần nói chính xác hơn, tài nguyên của Huế là thiên nhiên và di sản văn hoá. Một đô thị muốn phát triển bền vững thì không gian của nó phải gắn với tài nguyên. Hướng phát triển của đô thị hạt nhân và các đô thị vệ tinh của Huế đều phải kiên trì với mục tiêu với bảo tồn phát huy các giá trị di sản và chung sống hài hoà với thiên nhiên; gìn giữ tài nguyên thiên nhiên với các giá trị phong thuỷ, mỹ thuật, sinh thái.

Tài nguyên văn hóa của Huế là vô tận, có thể khai thác muôn đời. Như Festival Huế càng về sau quy mô càng lớn, các đoàn nghệ thuật khắp cả năm châu bốn biển đăng ký tham dự nhiều hơn. Trong khi tài nguyên đất đai, khoáng sản đang cạn dần. Các nhà đầu tư bất động sản kẻ thì tháo chạy, kẻ thì nằm yên bất động khiến dân tình bất an. Nông dân thì mất đất sản xuất, người mua nhà thì không có nhà để ở do dự án không triển khai, hoặc chậm tiến độ. v.v...

Trở lại câu chuyện Trung tâm văn hóa đặc sắc gắn với phát triển du lịch. Để làm giàu, Huế phải đột phá bằng lối đi riêng dựa trên thế mạnh của chính mình. Không chạy đua theo các thành phố khác mà cần phải tạo ra sự khác biệt cho Huế. Bản thân sự khác biệt sẽ tạo ra sự hấp dẫn. Sự khác biệt của Huế là phát triển bền vững dựa vào tài nguyên thiên nhiên và di sản văn hóa, trong đó có các giá trị văn hoá phi vật thể, chứ không phải là mạnh vì gạo bạo vì tiền. Phải xem di sản văn hóa và di sản thiên nhiên là tài nguyên, là vốn liếng, để phát triển.

Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam là mô hình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2007. Từ tài nguyên thiên nhiên và di sản, với cái lõi là thành phố festival, theo tôi nên xây dựng Huế trở thành một đặc khu du lịch của quốc gia và khu vực là một lối đi riêng, một sự khác biệt. Tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa Huế, kể cả tài nguyên nhân văn đều phải khai thác, phát huy giá trị, biến nó thành sản phẩm du lịch, như chúng ta đã và đang khai thác, phát huy trong mỗi kỳ festival.

Dĩ nhiên chúng ta không tự thỏa mãn với kho báu di sản. Di sản phải được bảo tồn nhưng không bảo thủ. Các sản phẩm du lịch văn hoá dù hay nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ bị nhàm chán. Di sản phải được biến tấu, có chiều kích hiện đại để dễ hội nhập với thế giới bên ngoài. Mỗi kỳ festival đều có những sản phẩm mới, những tour du lịch thể nghiệm mới nhưng không nuôi dưỡng được vì đơn điệu, thiếu đồng bộ và thiếu công nghệ. Vì thế mà sau Festival Huế lại trở về với “nét dịu dàng pha lẫn trầm tư”.

Mặt khác, cũng cần thay đổi phương thức tổ chức festival. Gọi Huế là thành phố festival nhưng hai năm chỉ “sôi nổi” 12 ngày (9 ngày năm chẵn, 3 ngày năm lẻ) như hiện nay thì không ổn. Đã là thành phố festival thì quanh năm phải sống trong bầu không khí lễ hội. Festival phải được tổ chức thường xuyên chứ không phải là festival theo chiến dịch như hiện nay. Để quanh năm người dân được hưởng thụ văn hóa; và quanh năm thu hút du khách gần xa đến với Huế.

Thanh Tùng
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top