ClockThứ Tư, 16/06/2010 15:55

Ta có nước… để tự hào

TTH - Hữu Thu hiện công tác tại HTV Huế, là một trong những tác giả đoạt nhiều Huy chương vàng, Huy chương bạc của Liên hoan phim truyền hình toàn quốc, hiện là Thư ký chi hội Điện ảnh Việt Nam tại Huế.

Nhân kỷ niệm 85 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tác phẩm “ Những việc làm ích nước, lợi dân” mà ông là tác giả kịch bản và đạo diễn đã được Hội đồng chung khảo giải báo chí quốc gia trao giải B. Chia sẻ với chúng tôi trước khi lên đường ra Hà Nội nhận thưởng, ông nói:

Nhà báo Hữu Thu
Đây là một cảm giác tuyệt vời, vì là  lần đầu tiên HVTV và cả Hội nhà báo Thừa Thiên-Huế đoạt giải cao (tôi nhớ không nhầm: năm 2007 anh Nguyễn Việt ở TRT đoạt giải khuyến khích, còn tác phẩm của anh Phương Nam và Quốc Phương của HVTV được vào vòng chung khảo), vì vậy nhóm tác giả chúng tôi ( tôi và  quay phim Quốc Phương) xem đây là vinh dự chung của báo giới tỉnh nhà.
 
Xin hỏi thật, khi gửi tác phẩm dự thi, ông có hy vọng đoạt giải?
 
Khi có người báo tin (mà hình như là chị thì phải) tôi cứ ú ớ , mới đầu ngỡ là giải B của tỉnh, nhưng sau đó một ngày,  chính các anh lãnh đạo của VTV Huế gọi điện , phối kiểm tôi mới biết đó là sự thật.
 
Còn hy vọng ?- Sau nhiều năm lăn lộn ở chốn trường thi , thú thật  tôi đã bị “ lỳ ”cảm xúc, bởi báo chí phát triển ghê gớm (hiện nay đã có trên 17.000 nhà báo được cấp thẻ hành nghề và đa số còn trẻ, được đào tạo tử tế) nên tôi tin tác phẩm của mình  khó mà lọt vào vòng chung khảo.
 
Mà chị cũng biết đấy,  đất nước mình thiên tai, dịch bệnh, tiêu cực, nạn bạo hành diễn ra khá dữ dội nên  đề tài của đồng nghiệp đã ” ăn đứt” mình, đó là chưa kể  ở  giải báo chí quốc gia lần thứ lần  này , cả nước  đã gửi 962 tác phẩm dự thi, cuối cùng Hội đồng chung khảo chỉ bầu chọn được 129 tác phẩm để trao, trong đó giải cao,  duy nhất chỉ có 1 giải A  và 19 giải B. Tác phẩm của tôi may mắn lọt vào con số 19  đó!
 
Giải đã đoạt rồi, ông có thể giới thiệu đôi chút  về “ đứa con tinh thần” của mình?
 
Cần nói ngay, lúc đầu tôi đặt tên cho tác phẩm của mình là “Vượt phá” nhưng xem xong,  anh Văn Công Toàn, Giám đốc VTV Huế  đề nghị đổi lại , với tên gọi dung dị hơn -  Những việc làm ích nước, lợi dân.
 
Thực chất là phim chân dung về Trương Công Nam, Giám đốc Công ty xây dựng và cấp nước Thừa Thiên-Huế. Tôi quen  anh Nam đã lâu nhưng nhiều khi cứ ỷ vào cái bệnh “biết nhiều” nên thường lâm vào  tình cảnh” biết đại khái”, mãi đến khi VTV Huế triển khai xây dựng nội dung phục vụ cho chương trình truyền hình trực tiếp về 40 năm Thừa Thiên-Huế thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo Thu Hương đề nghị tôi phối hợp  thực hiện clip giới thiệu về phong trào thi đua ở Công ty xây dựng và cấp nước Thừa Thiên-Huế,  tôi mới có điều kiện tìm hiểu kỹ. Và khi nắm được những việc làm” ích nước, lợi dân” của thạc sĩ Trương Công  Nam, tôi xây dựng kịch bản, lục tìm tư liệu và tiến hành quay bổ sung.
 
Cũng cần nói thêm , để “ nói có sách mách có chứng”, tôi đã khai thác nhiều chi tiết của anh Quý Hòa, của  chị Vĩnh Yên (do anh Nam Trung quay ); có thể khẳng định: đây là xương sống mà thiếu nó, tác phẩm khó đứng vững.
 
Tư liệu cho thấy, Giám đốc Nam là người miệng nói tay làm và chính anh là người khởi xướng của rất nhiều sáng kiến có giá trị, trong đó có sáng kiến táo bạo, mà nếu không dám chịu trách nhiệm thì không dám làm, đó là tổ chức lắp đặt 3 km đường ống ngầm băng phá Tam Giang để đưa nước sạch về vùng Quảng Công, Quảng Ngạn.(  chỉ riêng giải pháp này đã tiết kiệm cho công quỹ trên 30 tỷ, do không phải đưa ống vòng vèo)...
 
Ngoài giới thiệu chân dung của vị giám đốc này , ông định gửi gắm gì thêm?
 
Làm phim  là cơ hội để được nhìn và nói, giúp con người gạt  bớt mặc cảm, tự ty, nhất là khi đang sinh sống  trên vùng đất  từng mang tiếng là nghèo, như Huế.
 
Nhờ  tiếp cận những việc làm của anh Trương Công Nam, nhờ đi đây đi đó, nhờ cọ xát, cuối cùng tôi mới chiêm nghiệm một điều, đó là  chất lượng cuộc sống của Huế thật sự đã được nâng cao, dù thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức trung bình khá của cả nước ( hơn 1.000 USD)!
 
Nếu ra Hà Nội hay vào TP.HCM, khi tham gia lưu thông, ai cũng thừa nhận là đã lãnh đủ  sự ngột ngạt của khói bụi, do nạn kẹt xe. Còn nước sinh hoạt, dù đã cải thiện nhiều nhưng số lượng và chất lượng nhiều khi trở thành vấn đề thời sự. Trở lại với câu chuyện của nước. Vai trò của nó thì ai cũng biết. Thiếu nước, con người không tồn tại được. Đời sống càng văn minh càng cần  nguồn  nước dồi dào.
 
Trong quá trình thâm nhập, Trương Công Nam đã  từng chia sẻ :” cách đây hơn chục năm, trong một lần sang  Pháp,  dù ở khách sạn 3 sao nhưng tìm được  nước uống ( trong khi ở Việt Nam, khách sạn nào cũng có ) và anh thật sự quê, khi biết ở Paris nước đều uống được tại vòi, không cần chai lọ lỉnh kỉnh như ở quê nhà!
Ôm ấp hoài bão,  Trương Công Nam và  cộng sự đã biết biến ước mơ thành hiện thật !
 
Thử hỏi, ở Việt Nam đã có đô thị hoặc trung tâm nào công bố cấp nước an toàn cho toàn dân? Vậy mà Huế đã làm được, khởi nguồn từ những cách làm của con nhà nghèo như tận dụng ống nước cũ bằng cách tráng xi măng hoặc dùng moude để thông rửa ống. Sáng kiến của Trương Công Nam   đoạt nhiều giải quốc gia, các đơn vị cấp nước các nơi tìm về học tập. WHO thừa nhận , Huế là đô thị đầu tiên của Việt Nam có đến 99% dân số được cấp nước an toàn. Nước không còn mùi mốc , mùi tẩy của thuốc Javel!
 
Du khách, người lao động có thể đến nơi công cọng, uống nước trực tiếp tại vòi, không cần đun sôi. Bia Huda ( góp 1/3 ngân sách cho địa phương) từ 3 triệu lít ban đầu đã nêu mục tiêu  nâng sản lượng lên 300 triệu lít/ trong vài năm tới. Người ta nói, bia HUDA thơm ngon là nhờ có nước sông Hương! Vậy thì hà cớ gì lại không mượn lời của một nử thi sĩ để ngợi ca : ơi Huế của ta , ta  có nước ( để mà) tự hào!
           
Tại hội nghị giữa nhiệm kỳ vừa rồi của Hội Nhà báo, ông đã nói rất hay về điều quan trọng nhất trong tác nghiệp của nhà báo là tìm và phát hiện đề tài. Có thể trở lại vấn đề này một lần nữa, ở đây?
 
Đây là điều cốt tử của nghề báo, bởi nó phụ thuộc nhiều yếu tố. Ví như ở đại học, sinh viên thường  được  chỉ vẻ như nhau về cách tìm kiếm đề tài, nhưng một khi trở thành  cử nhân  báo chí thì đa số  lúng ta lúng túng, không biết khi viết một tin, làm một phóng sự nên bắt đầu từ đâu, chớ nói nói chi đến chuyện cao xa là tìm đề tài, ý tưởng hay. Ở đâu không rõ nhưng ở Huế, tôi  biết rất nhiều  em  ra trường phần lớn thuộc  loại khá nhưng khi tác nghiệp, dù ở  môi trường tương đối  thuận lợi nhưng phải mất rất nhiều năm mới tự mình làm được tin hoặc phóng sự hay.
 
Điều này cho thấy,  ngoài đào tạo , như nghề văn, nghề báo ( trong đó có truyền hình) phụ thuộc rất lớn vào năng khiếu. Chân lý giản dị : không phải cử nhân ngử văn hay báo chí nào sau chục năm tốt nghiệp đều cũng trở thành nhà văn hay nhà báo thực thụ nổi danh.
 
Về truyền hình, từ “tay mơ”, tôi may mắn được cơ quan gửi đi dự học mấy lớp đào tạo cấp tốc  do các nhà báo thực thụ của Đức, Pháp, Úc dạy ( họ khiêm tốn dùng từ trao đổi). Tại đó chúng tôi thoải mái hỏi, các nhà báo bằng kinh nghiệm thẳng thắn trao đổi và thường sau một chủ đề là phân nhóm thực hiện. Học viên tự đánh giá và các nhà báo (đóng vai trò của những trainers) chỉ góp ý và cho lời khuyên.
 
Nhờ được đào tạo trong môi trường như thế nên  tôi có điều kiện tiếp nhận công nghệ hiện đại của truyền hình và thú vị hơn là học được cái cách tiếp cận đề tài nhanh nhất. Đối chiếu với giáo trình đại học, không  nhiều khác biệt. Nhưng do được các nhà báo lành nghề trực tiếp hướng dẫn, học kết hợp với hành   nên học viên tự tin ,vậy thôi.
 
Cái mẹo mà tôi thường ứng dụng  là do Jens Moeller, nhà báo Tây Đức  chỉ dẫn  nhân cả châu Âu rúng động về chuyện bò điên.Và khi cặp bài trùng J. Moeller và M. Hoeffken tiến hành thực hiện magazine, họ  không cần bay đến các nước mà chỉ  chọn một trang trại nổi tiếng  sắp phá sản ở Đức để thực hiện. Còn tình hình các nơi, nhờ vệ tinh, thông tín viên của họ gửi về.  J. Moeller dặn tôi: đừng ham hố hãy chọn vấn đề hoặc chi tiết  khái quát  .
 
 Mấu chốt  của đề tài  chính là  vấn đề, sự việc, chi tiết khi được chọn ấy xem nó có liên quan mật thiết đến xã hội và có thật sự lôi cuốn  nhiều người hay không?
 
Những tác phẩm đoạt huy chương vàng như:” Để mẹ yên lòng” ,” Bao giờ mới được an ?”, “ Seraphin- sự hóa thân của rác” ,“ Huyền thoại mới trên phá Tam Giang” hay mới đây là tác phẩm “ Những việc làm ích nước, lợi dân” đoạt giải B của báo chí quốc gia mà tôi với tư cách là tác giả kịch bản và đạo diễn đều phát xuất từ những lớp được đào tạo như thế, bởi sự đời có học vẫn hơn mà!
 
Xin chúc mừng và chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.
                                                                       
                                                                        Khang Nhiên ( thực hiện)
 
 
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa

Chiều 25/4, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do ông Nguyễn Đắc Vinh, UVTW Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Phát triển toàn diện, hài hòa giữa các hoạt động văn hóa
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Return to top