ClockThứ Năm, 15/10/2015 07:12

Tập kết cát sạn trái phép bên sông Hương

TTH - Thời gian gần đây, nhiều bến, bãi tập kết cát, sạn trái phép, trá hình không nằm trong quy hoạch của UBND tỉnh mọc lên nhan nhản 2 bên bờ sông Hương, nhưng không bị xử lý triệt để.

Toàn cảnh bãi tập kết cát trá hình của Công ty CP Xây dựng 939

Bức xúc bãi tập kết trá hình

Theo thống kê của Công an tỉnh, dọc sông Hương có trên 30 bến, bãi tập kết cát, sỏi trái phép, trá hình nằm ngoài quy hoạch của UBND tỉnh. Trong đó, tập trung chủ yếu ở các khu vực như cầu Tuần, cầu Bối, đồi Vọng Cảnh, điện Hòn Chén,  Phường Đúc, cầu Long Hồ, cầu Chợ Dinh, đập Thảo Long...
Ông Nguyễn Minh Hiếu, trú tại 351 Bùi Thị Xuân, Phường Đúc, TP Huế cho biết, sau khi đường Bùi Thị Xuân được nâng cấp, sửa chữa vào năm 2005; đồng thời các bến, bãi cát, sạn hoạt động ở đường Bùi Thị Xuân được dẹp bỏ, người dân rất vui mừng vì được sống trong môi trường trong lành. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, tại địa chỉ 372B Bùi Thị Xuân (đối diện nhà ông) lại mọc lên một bãi tập kết vật liệu xây dựng lấy danh nghĩa là kho của Công ty CP Xây dựng 939 chuyên khai thác, tập kết cát ở sông Hương lên để bán. Tiếng ồn từ máy hút cát và cảnh bụi mù mịt suốt ngày do hàng trăm xe ô tô ra vào chở cát, khiến khu vực này bị ô nhiễm trầm trọng. Nhà của ông buôn bán hàng ăn, nhưng hiện nay không có khách, bởi bụi đóng trên bàn ăn, nhà từng lớp, mặc dù hàng ngày ông đều lau chùi liên tục. Về vấn đề gây ô nhiễm của bãi cát này, hàng chục hộ dân trong khu vực đã ký đơn tập thể gửi lên các cấp chính quyền, nhưng chưa được xem xét, giải quyết.
Ông Võ Văn Tuấn, trú tại 372 Bùi Thị Xuân cho biết thêm, thửa đất hiện nay làm kho chứa cát rộng gần 3.000m2 là do Công ty CP Xây dựng 939 thuê lại của một người dân. Mục đích của việc thuê đất là để làm bãi kinh doanh cát chứ không phải làm kho chứa vật liệu xây dựng như trong giấy phép đăng ký của công ty này. Ngày ngày, gia đình ông cũng như các hộ lân cận phải đóng cửa để tránh bụi và tiếng ồn. Sau khi người dân phản đối dữ dội thì chủ bãi cát cho người tưới nước một đoạn ngắn trước khuôn viên bãi cát. Việc tưới nước này không giải quyết được nạn bụi bay mù mịt cả một đoạn đường dài mà còn làm "hơi đất" bốc lên trong những ngày nắng nóng, ảnh hưởng sức khỏe của người dân, nhất là các cháu nhỏ...
Ông Phan Văn Ý, Giám đốc Kho vật liệu xây dựng Công ty CP Xây dựng 939 khẳng định, kho tập kết vật liệu xây dựng đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép hoạt động. Đơn vị đã có cam kết bảo vệ môi trường và chỉ làm trong giờ hành chính. Hàng ngày cho tưới nước 3 lần để tránh bụi. Kho cũng không khai thác cát, sạn trên sông Hương mà chỉ là điểm trung chuyển cát từ mỏ Lương Quán (được UBND tỉnh cấp phép) để kinh doanh.
Không riêng gì khu vực Phường Đúc, người dân các phường Thủy Xuân, Thủy Biều (TP Huế), xã Phú Thượng (Phú Vang), xã Thủy Bằng (TX Hương Thủy), xã Hương Hồ (TX Hương Trà)..., nơi có bãi cát, sạn trái phép mọc lên dọc sông Hương cũng kêu than về việc gây ô nhiễm môi trường.
Cần sự phối hợp đồng bộ
Theo ông Nguyễn Tiến Long, Phó Chủ tịch UBND Phường Đúc, bãi tập kết cát của Công ty CP Xây dựng 939 đóng trên địa bàn phường không nằm trong quy hoạch theo Quyết định 936/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc ban hành quy định quản lý, sử dụng bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sạn trên địa bàn tỉnh (TP Huế chỉ có 2 điểm). Tuy nhiên, lấy danh nghĩa kho chứa vật liệu xây dựng, Công ty CP Xây dựng 939 đã đưa điểm này vào hoạt động từ đầu năm 2014. Phường đã nhiều lần kiểm tra, yêu cầu Công ty CP Xây dựng 939 thực hiện đúng các quy định của pháp luật về xây dựng bến, bãi, đảm bảo vệ sinh môi trường và các vấn đề liên quan đến việc lập bến, bãi. Do kho vật liệu xây dựng của Công ty CP Xây dựng 939 đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép hoạt động nên nằm ngoài thẩm quyền xử lý của phường, phải có sự vào cuộc của cơ quan cấp tỉnh.
Trong số những bến, bãi tập kết cát, sạn trái phép thì xã Thủy Bằng có số lượng nhiều nhất, với 11 bến, bãi. Trong đó, chỉ có 3 bến, bãi nằm trong quy hoạch (nhưng chưa được cấp phép hoạt động), còn lại 8 bến, bãi không nằm trong quy hoạch, hoạt động trái phép. Tháng 9/2015, đoàn kiểm tra liên ngành TX Hương Thủy phối hợp với UBND xã Thủy Bằng kiểm tra xử phạt 2 bến, bãi với số tiền 2 triệu đồng. Ngoài ra, lập biên bản vi phạm hành chính 4 trường hợp, buộc ngừng hoạt động, tháo dỡ, trả lại nguyên trạng.
Ông Lê Văn Thìn, Chủ tịch UBND xã Thủy Bằng cho biết, xã đã nhiều lần kiểm tra, xử lý các bến, bãi tập kết cát, sạn hoạt động trái phép. Có những bến, bãi đã 3 lần lập biên bản, song vẫn chưa giải quyết dứt điểm tình trạng này. Nguyên nhân là do bến, bãi của các chủ nằm trong khu vực tiếp giáp với vườn, nhà đã có GCNQSDĐ. Văn bản pháp lý để xử lý những trường hợp trên còn nhiều khó khăn... Ngoài ra, nhận thức của người dân về vấn đề này còn kém; sự phối hợp liên ngành giữa các cấp, trong đó có phường, xã chưa đồng bộ dẫn đến người dân bất chấp vi phạm.
Việc mọc lên nhiều bãi cát sạn trái phép, trá hình khiến vấn nạn khai thác cát, sạn trái phép diễn ra ngày càng phức tạp. Điều này không chỉ gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu dân cư mà còn khiến dòng sông Hương ô nhiễm nghiêm trọng. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, dòng sông Hương ngày nay không còn trong xanh như trước đây, bởi nạn khai thác cát sạn kể cả có phép và trái phép. Trong 9 tháng đầu năm 2015, riêng lực lượng Cảnh sát Đường thủy Công an tỉnh đã kiểm tra, phát hiện, lập biên bản hơn 60 trường hợp tổ chức, cá nhân khai thác cát, sạn trái phép, lập hồ sơ chuyển Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh ra quyết định xử phạt hơn 500 triệu đồng.
Xử lý triệt để các bãi cát, sạn trái phép, trá hình cũng là biện pháp để hạn chế tình trạng khai thác cát, sạn trái phép trên sông Hương. Vì vậy, cần sự phối hợp đồng bộ từ các cơ quan cấp tỉnh, huyện đến xã, phường trong xử lý vi phạm.
Bài, ảnh: Hải Huế
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Để sông Hương mãi xanh

Không vui và lấy làm tiếc là cảm giác của không chỉ tôi mà cả nhiều người trên phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và cầu gỗ lim vào mỗi sáng khi nhìn thấy cảnh tượng hoa đăng giấy nổi bập bềnh bên bờ sông Hương - dòng sông thơ mộng và đẹp nổi tiếng của Huế.

Để sông Hương mãi xanh
Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế

Chiều muộn, một người đàn ông lớn tuổi, tóc hoa râm ngồi cặm cụi băng bó hai chiếc chân đế bằng sắt của tấm pano vừa được lắp trên cầu ga Huế. Ông bảo làm thế để tránh thương tích cho người nếu không may va phải, nhất là những ngày này Huế đón người dân, du khách nơi khác về rất đông.

Chuyện tử tế bên cầu Ga Huế
Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông

Tại một số tuyến đường, tình trạng cây xanh không được cắt tỉa mọc lấn ra đường che lấp đèn tín hiệu giao thông. Điều này không những gây mất mỹ quan, mà còn tiềm ẩn nhiều mối nguy đối với người tham gia giao thông.

Đừng tạo mối nguy cho người tham gia giao thông
Return to top