Thế giới

“Thách thức Trung Quốc” với Tổng thống Mỹ tương lai

ClockThứ Năm, 09/07/2015 10:33
TTH.VN - Đài CNN của Mỹ hôm qua đã đặt ra những thách thức liên quan đến Trung Quốc cho ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2016, cho rằng đây là những vấn đề “đau đầu” mà họ phải đối mặt khi thắng cử.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một lần gặp gỡ ở California vào tháng 6/2013. Hai ông sẽ gặp nhau vào tháng 9 - Ảnh: W.House

CNN cho rằng trước sự lớn mạnh của Trung Quốc, quyết định chuyện “Mỹ sẽ làm gì đối với Trung Quốc?” là vấn đề quan trọng đối với bất kỳ tân tổng thống nào nhậm chức vào tháng 1/2017.

“Không phải là chuyện Nhà nước Hồi giáo (IS), Iran hay Nga nữa mà về lâu dài, những thách thức tiềm ẩn lớn hơn chính là Trung Quốc” - Aaron Friedberg, cựu trợ lý an ninh quốc gia Nhà Trắng, nhận định.

"Chúng ta cần nhìn rõ sự thay đổi trong hành vi của Trung Quốc, hoặc hậu quả thật sự từ những hành động quá mức của Trung Quốc đang ngày một gia tăng" - Ứng cử viên thượng nghị sĩ MARCO RUBIO.

Tâm điểm Trung Quốc

Giới chuyên gia an ninh quốc gia Mỹ đặt vấn đề: Trung Quốc là một quốc gia đang lên, còn Mỹ vẫn là một “cường quốc nguyên trạng”.

“Họ muốn có nhiều ảnh hưởng hơn, còn chúng ta liệu có phải đang chuyển động rất ít? Phải chăng họ đang tăng tốc? Đây sẽ là một vấn đề quan trọng cho tổng thống nhiệm kỳ tới của Mỹ” - cựu quyền giám đốc CIA Michael Morell từng nhận định với CNN hồi tháng 5.

Dù Trung Quốc không nằm ở vị trí nổi bật nhưng cũng đang được nhắc đến trong chính sách ngoại giao khi khởi động tranh cử của các ứng cử viên tại Mỹ. Các ứng cử viên Đảng Cộng hòa cho rằng Bắc Kinh không đứng yên mà đang hoạch định cho tầm ảnh hưởng ở khu vực Đông Bắc Á.

Một số chuyên gia nhấn mạnh điều này sẽ gây phương hại đến tham vọng giữ vững vị trí là một cường quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ.

Ứng cử viên - tỉ phú Donald Trump đã đưa ra những câu hỏi cơ bản về mối quan hệ Mỹ - Trung. Ông Jeb Bush - một ứng viên nặng ký khác của Đảng Cộng hòa - trình ra cách tiếp cận truyền thống hơn trong các mối quan hệ với Trung Quốc.

Ông Bush cho rằng mối quan hệ “sâu rộng” với Bắc Kinh là vấn đề sống còn để ngăn chặn mọi bất đồng có thể vượt tầm kiểm soát giữa hai quốc gia.

Đối thủ của ông Bush ở bang Florida - thượng nghị sĩ Marco Rubio đã ám chỉ một chính sách “cứng rắn hơn đối với Trung Quốc”.

Trong thư trình Tổng thống Barack Obama, ông Rubio nhấn mạnh mối quan ngại sâu sắc về những hành động mang tính khiêu khích của Trung Quốc đối với Mỹ và các đồng minh của nước này.

Còn bà Carly Fiorina, một ứng viên khác của Đảng Cộng hòa, chỉ trích việc Trung Quốc cho tin tặc lấy dữ liệu trong lĩnh vực thương mại của Mỹ.

“Tôi đã làm việc với một số người Trung Quốc trong mấy chục năm qua. Phần lớn họ không có sự sáng tạo, không có tính doanh nghiệp. Đó là lý do vì sao họ hay vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của chúng ta” - bà Fiorina cáo buộc.

Điểm sáng Hillary

Hơn ai hết, ứng viên của Đảng Dân chủ Hillary Clinton là nhân vật có thể đưa ra toàn cảnh về mối quan hệ Mỹ - Trung trong nhiệm kỳ tổng thống tới nếu bà thắng cử. Cựu ngoại trưởng Mỹ từng có mối quan hệ khá nhiều, thậm chí có lúc căng thẳng, với giới lãnh đạo Trung Quốc.

Bài phát biểu của bà tại Hội nghị quốc tế về phụ nữ năm 1995 ở Bắc Kinh đã chỉ trích gay gắt chính sách một con hà khắc của Trung Quốc, đánh dấu lần đầu tiên bà xuất hiện với tư cách là một “hình tượng lớn của thế giới”.

Theo The Diplomat, khi trở thành nhà ngoại giao hàng đầu của chính quyền Tổng thống Obama, bà Hillary đã thẳng thừng bác bỏ cách nhìn của Trung Quốc là “Washington muốn kiềm chế Trung Quốc”.

Bà cũng được xem là một kiến trúc sư trong chính sách “xoay trục châu Á” của Tổng thống Obama - đang bị Bắc Kinh chỉ trích nhằm cùng đồng minh ở châu Á bao vây Trung Quốc.

Bà Hillary từng khiến Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì phải bẽ bàng tại Hội nghị các nước ASEAN vào năm 2010. Khi ấy, bà công khai ủng hộ quan điểm của các quốc gia ASEAN là giải quyết đa phương vấn đề tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông.

Hãng tin Reuters cho biết tại buổi vận động ở New Hampshire hôm 4/7, bà Hillary kêu gọi Washington phải “cảnh giác toàn diện” đối với quân đội Trung Quốc.

Bà nhấn mạnh Bắc Kinh ăn cắp “khối lượng lớn thông tin của chính phủ” và các bí mật thương mại từ các nhà thầu quân sự của Mỹ. Hai ngày sau, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ những cáo buộc này của bà Hillary.

Những tuyên bố của các ứng cử viên tổng thống Mỹ 2016 trùng khớp với cuộc tranh luận đang ngày càng căng thẳng về chính sách đối ngoại của Mỹ trong việc định hình các mối quan hệ tương lai với Trung Quốc. Nhất là trước chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 9/2015.

Theo CNN, các ứng cử viên tổng thống Mỹ thường cam kết sẽ “trừng phạt Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ và gian lận thương mại” khi họ vận động tranh cử ở các bang có nhiều dân lao động phổ thông.

Tuy nhiên, các xu hướng kết nối kinh tế giữa hai quốc gia thường khiến những lời hứa hùng hồn trong thời kỳ tranh cử rơi vào khoảng không. Các tổng thống Mỹ luôn có sự “điều tiết” với Trung Quốc khi họ... chính thức nhậm chức!

Theo Tuổi Trẻ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất

Đầu tư cho sản xuất tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang bùng nổ. ASEAN đã trở thành điểm đến mục tiêu của các công ty đa quốc gia và có vai trò cực kỳ quan trọng trong kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực toàn cầu. Khối 10 quốc gia với hơn 660 triệu dân này được hưởng lợi từ các chiến lược “Trung Quốc + 1” vốn đã tăng tốc kể từ sau đại dịch COVID-19, khi các doanh nghiệp đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ sang một hoặc nhiều quốc gia ASEAN để tránh việc quá tập trung vào thị trường Trung Quốc.

ASEAN trở thành điểm đến chính của FDI lĩnh vực sản xuất
Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên

Theo ước tính vừa được Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố ngày 24/4, trận động đất nghiêm trọng ở miền Trung Nhật Bản vào ngày đầu năm mới 2024 đã có tác động tiêu cực đến kinh tế nước này, với thiệt hại có thể lên tới 115 tỷ yên (743 triệu USD) trong quý I/2024, tức gần 0,1% GDP danh nghĩa của cả nước.

Trận động đất ngày đầu năm khiến kinh tế Nhật Bản giảm 115 tỷ yên
Return to top