ClockThứ Năm, 01/06/2017 13:01

Thận trọng trong thế chấp

TTH - Do tin tưởng nên một số nạn nhân đem giấy chứng nhận nhà đất của mình đến ngân hàng thế chấp vay vốn. Tiền thì người khác nhận, bản thân phải đối mặt với khoản nợ lớn từ ngân hàng.

Vợ chồng ông Tiện bức xúc, lo lắng trước nguy cơ mất nhà cửa   

Bài học từ một vụ án

Vợ chồng ông Tiện (trú thôn Hải Trình, xã Phú Thanh, huyện Phú Vang) thiếu vốn chăn nuôi, sản xuất, được người quen giới thiệu bà Oanh (trú phường Phú Hậu, TP. Huế). Bà Oanh nói với vợ chồng ông Tiện đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất mà gia đình ông Tiện đang sinh sống, để bà Oanh đến Ngân hàng TMCP xuất nhập khẩu Việt Nam chi nhánh tại TP. Huế, làm thủ tục vay 100 triệu đồng. Do tin tưởng, vợ chồng ông Tiện đưa “sổ đỏ” thửa đất cho bà Oanh. Bà Oanh cùng vợ chồng ông Tiện đến ngân hàng (NH) làm thủ tục thế chấp vay vốn với số tiền 100 triệu đồng. Việc lập hợp đồng (HĐ) giữa vợ chồng ông Tiện với NH do bà Oanh trực tiếp thực hiện (đồng thời bà Oanh cũng là người trực tiếp nhận tiền). Do tin tưởng, vợ chồng ông Tiện ký vào HĐ mà không đọc lại, nên không hề biết bà Oanh tự ý vay “đội” thêm 300 triệu đồng (tức HĐ vay 400 triệu đồng).

Hàng tháng, vợ chồng ông Tiện đưa tiền gốc và lãi đối với số tiền 100 triệu đồng để bà Oanh trả nợ NH. Do bà Oanh không thực hiện trả nợ nên NH đưa giấy báo cho vợ chồng ông Tiện. Lúc này, vợ chồng ông mới biết bị bà Oanh lừa, vay thêm và chiếm đoạt 300 triệu đồng.

Vợ chồng ông Tiện khởi kiện bà Oanh ra TAND TP. Huế. Quá trình giải quyết, TAND TP. Huế ra Quyết định số 20 ngày 17/3/2015 công nhận sự thỏa thuận của các đương sự: Bà Oanh có nghĩa vụ thanh toán cho vợ chồng ông Tiện tổng số tiền 420 triệu đồng. Trong đó nợ gốc 300 triệu đồng, nợ lãi 120 triệu đồng; thời hạn trả nợ cuối cùng là ngày 9/5/2015.

Thế nhưng đến nay, bà Oanh vẫn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho vợ chồng ông Tiện theo quyết định nêu trên của TAND TP. Huế. Ngày 10/8/2015, vợ chồng ông đã gửi đơn yêu cầu thi hành án đến Chi cục THADS TP. Huế, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết (thông tin từ Chi cục THA: Do rất nhiều khoản  nợ nên tài sản của bà Oanh đã bị phát mãi trước đó. Hiện chấp hành viên đang trong quá trình xác minh bà Oanh còn tài sản mới cưỡng chế thi hành được). Trong lúc vợ chồng ông Tiện đứng trước nguy cơ bị phát mãi nhà đất.

Thận trọng

Được biết, đây không phải là trường hợp hi hữu. Rất nhiều nạn nhân bị rơi vào hoàn cảnh trên. TAND TP. Huế đang thụ lý, giải quyết 7 vụ án kinh doanh thương mại, do NH đứng nguyên đơn khởi kiện. Bị đơn là người đã thế chấp tài sản nhà đất vay vốn, nhưng không trả được nợ vay. Qua tìm hiểu, các bị đơn trong những vụ án nói trên đều là nạn nhân của một người trú tại huyện A Lưới. Do tin tưởng nên các nạn nhân đem giấy tờ nhà đất của mình đến NH thế chấp vay vốn. Tiền người đó nhận, nhưng sau đó “mất hút”. Gia đình ông Tr. (phường Thuận Hòa, TP. Huế) cay đắng thừa nhận mình đã quá tin tưởng nên bây giờ mất trắng nhà cửa, đất đai.

LS.Ths. Đặng Thị Ngọc Hạnh: Nếu có đủ căn cứ cho rằng bị bà Oanh lừa dối, vợ chồng ông Tiện có quyền làm đơn tố cáo đến cơ quan điều tra để yêu cầu điều tra, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh lừa đảo. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với vụ án này vẫn còn (5-10-15-20 năm tùy loại tội phạm)

Theo LS. Ths. Đặng Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, Giám đốc Công ty luật Ngọc Hạnh & Cộng sự cho biết, trên thực tế rất nhiều người vì nhu cầu cần tiền trước mắt mà không biết đang “mang ách” rủi ro vào cổ, khi dùng giấy tờ nhà thế chấp cho người khác hoặc công ty nào đó vay tại NH.  Theo bà Hạnh, ký thế chấp phải qua 2 bước: Ký HĐ thế chấp tại phòng công chứng và đăng ký giao dịch đảm bảo; sau đó ký HĐ tín dụng và giải ngân tại NH. Bất kỳ bước nào cũng cần chữ ký của đương sự. HĐ thế chấp còn ghi rõ hạn mức, thời hạn  thế chấp ngay trong HĐ.

“Các đương sự cho rằng cán bộ NH không giải thích rõ nên họ bị lừa và cho rằng sự việc nêu trên có sự tiếp tay của NH. Nhưng nếu quy trình được đảm bảo và đương sự làm đúng thì không thể lừa họ được vì họ phải đọc tất cả các văn bản trước khi ký. Thậm chí phải có chữ ký của họ mới giải ngân được. Sau khi ký thì phải có 1 bộ hồ sơ tín dụng với đầy đủ thông tin giao cho họ. Nếu cho rằng tại chỗ không đọc kịp thì về nhà vẫn đọc được để phát hiện những thông tin sai trái”- LS. Hạnh nói. Đồng thời cảnh báo: “Từ những rủi ro pháp lý thường gặp nêu trên, mọi người luôn phải đề cao cảnh giác và thực hiện hết những quy định của pháp luật như: Trực tiếp làm việc với những quan hệ liên quan đến quyền sở hữu của mình, không nên thông qua người khác. Đọc kỹ các văn bản trước khi đặt bút ký bất kỳ giấy tờ gì. Khi ký giải ngân hay ký trả tiền cần kiểm tra số tiền đó chuyển cho ai, bao nhiêu, như thế nào. Nếu ký bảo lãnh cho người khác vay phải hiểu rõ hậu quả pháp lý xảy ra khi người vay không trả được nợ. Khi làm việc với cán bộ NH, nếu không đọc hết các văn bản, phải đọc những thông tin cơ bản tối thiểu như: thời hạn vay, số tiền vay, lãi suất, các chế tài khi vi phạm. Nếu có vấn đề gì còn nghi ngại phải hỏi kỹ trước khi ký. Khi ký xong phải yêu cầu một bộ hồ sơ gốc để lưu trữ và đối chiếu khi cần thiết”.

Bài, ảnh: Quỳnh Anh - Văn Xuân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thận trọng nơi công cộng

Đã có nhiều vụ cướp giật tài sản, trộm cắp ở công viên, nơi công cộng được lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật. Song, để tình trạng này không tiếp diễn, bản thân mỗi người dân cần chủ động tự bảo vệ tài sản của mình.

Thận trọng nơi công cộng
Vay vốn mua nhà ở xã hội vẫn khó

Đầu tư phát triển nhà ở xã hội không chỉ góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, mà còn có ý nghĩa quan trọng hỗ trợ an sinh xã hội, cũng như thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển nhà ở của tỉnh đến năm 2025. Tuy nhiên, việc người dân khó tiếp cận với chương trình vay vốn để mua các dự án nhà ở xã hội đang phần nào ảnh hưởng đến chương trình này.

Vay vốn mua nhà ở xã hội vẫn khó
Những nguyên nhân cần mổ xẻ

Tất cả các gói hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp (DN) đều nhằm hai mục đích: góp phần giải quyết khó khăn của DN, thông qua đó tác động đến phục hồi và phát triển kinh tế.

Những nguyên nhân cần mổ xẻ
Giải ngân vốn vay cho người chấp hành xong án phạt tù

Những khách hàng đầu tiên của chương trình vay vốn theo Quyết định 22/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù vừa được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh giải ngân. Chính sách này thể hiện tính nhân văn của Đảng và Nhà nước giúp người chấp hành xong án phạt tù có thêm cơ hội tái hòa nhập cộng đồng.

Giải ngân vốn vay cho người chấp hành xong án phạt tù
Return to top