|
Dự báo tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á năm 2023 và 2024 giảm do nhu cầu xuất khẩu yếu hơn. Ảnh minh họa: Reuters/TTXVN/Vietnam+ |
Cụ thể, trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 9/2023, ngân hàng ADB đã cắt giảm dự báo tăng trưởng của khu vực Đông Nam Á trong năm 2023 xuống còn 4,6%, tức giảm từ 4,7% so với dự báo mà ngân hàng đã đưa ra vào tháng 4 vừa qua. Trong khi đó, dự báo tăng trưởng cho năm tới được điều chỉnh tăng lên mức 4,8%, nhưng đây vẫn là mức giảm so với 5% dự đoán được đưa ra trước đó.
Báo cáo công bố ngày 20/9 chỉ ra rằng, tăng trưởng toàn cầu chậm lại, giá hàng hoá cao và các điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt đã góp phần làm thay đổi triển vọng tăng trưởng của khu vực.
Bản báo cáo cũng lưu ý thêm rằng sự sụt giảm trong tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá đã gây ra tác động nghiêm trọng đến nhiều nền kinh tế xuất khẩu chính trong khu vực. “Việc tăng lãi suất nhanh chóng ở các nền kinh tế lớn đã tạo ra khủng hoảng tín dụng, kéo nhu cầu đi xuống”.
Đặc biệt, 6 trong số 10 quốc gia thành viên ASEAN bao gồm Campuchia, Lào, Malaysia, Philippines, Singapore và Việt Nam, cũng như Timor Leste dự kiến sẽ chứng kiến mức tăng trưởng thấp hơn so với dự đoán trước đó.
Điều này là do các điều kiện bên ngoài yếu hơn và nhu cầu giảm đối với hàng chế tạo và sản xuất hàng hoá của khu vực, cùng với sản lượng nông nghiệp thấp hơn do thời tiết bất lợi.
Trong khi đó, ngân hàng ADB duy trì dự báo tăng trưởng của Myanmar. Đồng thời, ngân hàng cũng duy trì dự đoán kết quả về hoạt động kinh tế tốt hơn cho Brunei, Indonesia và Thái Lan, nhờ triển vọng nhu cầu trong nước sáng sủa hơn.
Lạm phát ở Đông Nam Á
Dự báo lạm phát của khu vực cho năm 2023 đã được điều chỉnh giảm từ 4,4% đưa ra hồi tháng 4 xuống còn 4,2%, nhưng vẫn không thay đổi ở mức 3,3% cho năm 2024.
Mặc dù việc giảm giá dầu và giá hàng hoá đã làm chậm tốc độ tăng giá ở hầu hết các nền kinh tế trong khu vực, song lạm phát vẫn tăng cao ở các nước như Lào, Myanmar và Philippines do đồng tiền mất giá và tác động của khí hậu đến sản xuất lương thực.
Tăng trưởng của khu vực nhìn chung có thể suy yếu hơn nữa do lãi suất tăng cao và mức độ phục hồi yếu hơn dự kiến ở Trung Quốc.
Khu vực châu Á đang phát triển
Nhìn xa hơn từ khu vực Đông Nam Á sang châu Á đang phát triển, ngân hàng ADB đã giảm nhẹ dự báo tăng trưởng cho năm 2023 xuống còn 4,7%, thấp hơn so với mức 4,8% dự báo hồi tháng 4. Tuy nhiên, mức dự báo cho năm 2024 vẫn duy trì 4,8%.
Được biết, khu vực châu Á đang phát triển bao gồm 46 thành viên của ADB, trải dài từ Kazakhstan ở Trung Á đến Kiribati ở Thái Bình Dương.
Triển vọng trong khu vực vẫn “lạc quan dù triển vọng toàn cầu yếu hơn”, với tốc độ tăng trưởng được thúc đẩy nhờ việc Trung Quốc mở cửa trở lại, cũng như tiêu dùng và đầu tư lành mạnh trong khu vực rộng lớn hơn. Xu hướng xuất khẩu yếu trong khu vực cũng có dấu hiệu chạm đáy.
Khu vực châu Á đang phát triển chứng kiến lạm phát giảm
Báo cáo của ngân hàng ADB cho biết, lạm phát trong khu vực sẽ tiếp tục giảm tốc trong năm 2023.
Tỷ lệ lạm phát ở châu Á đang phát triển đã giảm từ mức 4,2% xuống còn 3,6% vào tháng 4/2023 và được điều chỉnh dự đoán sẽ là từ 3,3% tăng lên mức 3,5% vào tháng 4/2024.
Mặc dù giá năng lượng và lương thực giảm khiến tốc độ tăng trưởng trên toàn khu vực giảm sút, nhưng lạm phát cơ bản nhìn chung cũng đã bắt đầu giảm.
Rủi ro giảm giá
Nhà kinh tế trưởng Albert Park của ADB cho biết: “Khu vực châu Á đang phát triển tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và áp lực lạm phát đang giảm dần. Tuy nhiên, các chính phủ cần phải cảnh giác trước nhiều rủi ro mà khu vực phải đối mặt”. Chúng bao gồm sự yếu đi của thị trường bất động sản ở Trung Quốc, gián đoạn nguồn cung năng lượng do xung đột ở Nga và Ukraine, thách thức an ninh lương thực khi đối mặt với sự gián đoạn gây nên bởi hiện tượng El Nino và lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ…