Các nước tiếp tục gồng mình chống dịch, triển khai kế hoạch, hoạt động phục hồi nền kinh tế. Ảnh minh họa: Tân Hoa Xã/Báo Nhân dân
Theo đó, Thái Lan đã và đang áp dụng các biện pháp hạn chế lớn đối với du khách nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19. Tuy nhiên, việc không khuyến khích du khách đến đây nghỉ dưỡng đã khiến nền kinh tế nước này chịu tác động nặng nề nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.
Cụ thể, COVID-19 đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực lớn của đất nước, nặng nề nhất là ngành bán lẻ, giải trí, khách sạn và nhà hàng.
Chính vì lý do này, chính phủ Thái Lan cho biết Phuket – nổi tiếng với những bãi biển đầy cát sẽ là nơi triển khai thử nghiệm mới, trong đó du khách đã được tiêm phòng sẽ được phép đến đây lưu trú và du lịch mà không cần kiểm dịch hay cách ly bắt buộc ở khách sạn.
Thống đốc Tổng Cục Du lịch Thái Lan (TAT) Yuthasak Supasorn cho biết, mô hình “sandbox Phuket” sẽ bắt đầu được triển khai từ tháng 7 trở đi.
Du khách nước ngoài sẽ được yêu cầu phải tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19, có giấy chứng nhận âm tính với COVID-19 và tải ứng dụng theo dõi trên điện thoại. Thêm vào đó, bắt đầu từ tháng tới, 6 thành phố phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động du lịch sẽ giảm thời gian cách ly đối với những du khách đã tiêm vaccine, trong đó bao gồm Krabi, Ko Samui và Pattaya.
Những du khách đến đây sẽ trải qua thời gian cách ly 7 ngày và sẽ được phép đi lại quanh khu vực xung quanh khách sạn họ lưu trú. Đây được xem là một sự khác biệt rõ ràng đối với khách vãng lai vốn được yêu cầu phải cách ly tại phòng khách sạn trong vòng 2 tuần.
Các kế hoạch này vẫn cần sự phê duyệt cuối cùng của chính phủ.
Theo số liệu của Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, khoảng 40 triệu khách du lịch đã được dự kiến sẽ đến nước này vào năm 2020, song chỉ có 6,7 triệu người đã thực sự đến Thái Lan du lịch vào thời điểm này.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận rõ rằng, cách tiếp cận cứng rắn của Thái Lan đã ngăn chặn tốt tình trạng lây nhiễm của đại dịch. Tính đến ngày 27/3, xứ sở chùa vàng ghi nhận 28.577 ca nhiễm COVID-19 trên tổng dân số 70 triệu người.
Cũng trong cụm tin về cập nhật COVID-19, Nhà Trắng ngày 26/3 cũng cho biết chính phủ Mỹ sẽ phân phối 11 triệu liều vaccine COVID-19 của Johnson & Johnson vào tuần tới, như một phần của chuỗi những cố gắng không ngừng để đạt được mục tiêu tiêm chủng 200 triệu liều vaccine trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden.
Các nhà sản xuất vaccine Pfizer và Moderna dự kiến sẽ đạt mục tiêu cung cấp 220 triệu liều vaccine trong Quý I/2021.
Tháng trước Johnson & Johnson cho biết họ cũng sẽ cung cấp 20 triệu liều vaccine 1 mũi vào tháng 3. Tuy nhiên, các chuyến hàng đã bị trì hoãn bởi các đối tác sản xuất quan trọng của Mỹ, bao gồm Catalent không kịp thời nhận được thông quan theo quy định của Mỹ để xuất xưởng vaccine từ cơ sở của họ.
Nhà Trắng cũng đang nỗ lực đẩy nhanh việc quản lý số lượng vaccine được tiêm chủng bằng cách tăng số binh lính làm nhiệm vụ hỗ trợ tích cực cho công tác tiêm chủng, cụ thể là từ 2.900 người lên đến hơn 6.000 người.
Tính đến ngày 26/3 vừa qua, 71% những người từ 65 tuổi trở lên ở Mỹ đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine, điều phối viên nỗ lực ứng phó COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zient cho hay.
Tiến sĩ Rochelle Walensky, Người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ nhận định, bà hiện đang vô cùng quan ngại đến quỹ đạo lây nhiễm ở Mỹ. Số ca nhiễm trung bình hằng ngày ghi nhận trong 7 ngày qua của Mỹ đã tăng 7% so với tuần trước lên thành 57.000 ca/ngày.
“Từ những đợt lây nhiễm tăng cao này, nếu chúng tôi không kiểm soát ngay bây giờ, khả năng cao là đường cong của dịch bệnh sẽ đạt đỉnh trở lại”, tiến sĩ Rochelle Walensky nhấn mạnh.
Cùng lúc đó, các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng cam kết cải thiện giao thông vận tải trong khu vực, khi đại dịch đã tác động nghiêm trọng đến lĩnh vực này. Lãnh đạo các nước đã thảo luận về các giải pháp vận chuyển hàng hóa, đổi đầu xe tải hoặc đầu xe kéo và cho phép xe tải nhập cảnh trong thời gian ngắn....
Đan Lê (Tổng hợp từ CNA, Worldmeters & Phnom Penh Post)