Hàng chục máy bay 737 MAX nằm phơi ở bãi của Boeing tại Seattle, bang Washington trong ảnh chụp đầu tháng 7-2019 - Ảnh: Reuters
Bản báo cáo sơ bộ công bố ngày 6-3 của Tiểu ban vận tải thuộc Quốc hội Mỹ đi đến kết luận buộc người ta phải hiểu về số phận của dòng máy bay từng là con cưng của tập đoàn Mỹ:
Boeing 737 MAX là "loại máy bay mắc lỗi và nguy hiểm một cách cơ bản". Qua đó, tiểu ban có trọng lượng này yêu cầu phải có những sửa đổi trong việc ban hành quy định liên quan việc cấp phép cho máy bay chở khách.
Báo cáo được công bố chỉ vài ngày trước ngày tưởng niệm 1 năm vụ tai nạn với chuyến bay của Hãng Ethiopian Airlines (ngày 10-3-2019) làm thiệt mạng 157 người gồm hành khách và phi hành đoàn.
Đây là vụ thứ hai sau vụ tai nạn khủng khiếp không kém với chuyến bay của Hãng Lion Air (Indonesia) làm thiệt mạng 189 người. Hai vụ tai nạn cùng do lỗi liên quan phần mềm của hệ thống chống thất tốc MCAS.
Đến khi dòng máy bay này bị các hãng đồng loạt cho nằm đất để đảm bảo an toàn và các cơ quan chức năng vào cuộc thì mới lộ ra nhiều sai sót khác.
Bản báo cáo sơ bộ của Tiểu ban vận tải nêu rõ: "Khi mà nhiều lỗi lầm về thiết kế kỹ thuật và sai lầm trong chứng thực lại được Cơ quan FAA (Cục Hàng không liên bang Mỹ) cho là "phù hợp" thì điều đó cho thấy nhất thiết phải có những sửa đổi về luật lệ và quy định".
Bản báo cáo nhấn mạnh rằng loại máy bay thương mại được phê chuẩn phù hợp theo quy chuẩn của FAA nhưng lại "mắc lỗi và nguy hiểm một cách cơ bản như thế" cho thấy việc cần kíp thay đổi hệ thống kiểm soát hàng không dân dụng.
Chính xác thì dòng máy bay 737 MAX đang khai thác ngon lành đã bị các cơ quan chuyên môn ở các nước "tuýt còi" buộc nằm đất từ ngày 13-3-2019.
Dường như chưa từng có quyết định nào mang tính thống nhất cao trong giới quản lý hàng không toàn cầu đến như vậy. Điều cũng khiến người ta chú ý là FAA là cơ quan quản lý cuối cùng đưa ra quyết định tương tự.
Tập đoàn khổng lồ ở Seattle buộc phải ngưng sản xuất dòng máy bay này, ngưng giao hàng đã có và thay luôn tổng giám đốc. Đây là vụ khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong lịch sử 104 năm của hãng.
Bản báo cáo của Tiểu ban vận tải thuộc Quốc hội Mỹ được cho là dựa trên 5 cuộc điều trần công khai với hơn một chục nhân chứng cao cấp có liên quan, trên hàng trăm ngàn trang tài liệu do các bên liên quan (Boeing, FAA và những người có tham gia thiết kế máy bay) cung cấp.
Đó là chưa kể những thông tin đến từ các nhân chứng tố cáo Boeing riêng với tiểu ban và những cuộc thẩm vấn riêng với hàng chục cựu nhân viên lẫn nhân viên hiện tại của Boeing và FAA mà tiểu ban thấy cần nói chuyện.
Nghị sĩ Rick Larsen - chủ tịch tiểu ban soạn thảo báo cáo - khẳng định sẽ "tiếp tục tấn công vào các vấn đề đã được định danh để cải thiện độ an toàn cho máy bay bằng cách tích hợp các yếu tố con người".
Ông khẳng định nhóm ông sẽ tiếp tục làm việc để tưởng nhớ các nạn nhân và gia đình của họ. Sau báo cáo trên, FAA cũng ra thông cáo nói rằng mình đã thực thi các biện pháp kiểm tra "chưa từng có ở Mỹ", nhưng cũng nhấn mạnh rằng "đã học được từ các sai lầm và sẵn sàng hợp tác cho một cuộc kiểm tra sâu rộng".
Bản báo cáo được cho là cái tát mạnh vào Boeing ở thời điểm chờ được cấp giấy phép bay lại cho dòng Boeing MAX. Nhưng với người lao động làm việc cho Boeing thì nó chẳng khác cú đấm nốc ao, bởi không ít người bắt đầu lo sợ cho tương lai rất gần là mất việc.
Một vài người bạn của tôi làm cho hãng mô tả thái độ của họ lúc này là đan xen những lo sợ (mất việc) và tức giận (với sự vô trách nhiệm của ban lãnh đạo cũ).
"Chúng tôi chưa biết sau ngày 10-3 tới, khi hết tiền rồi thì sống ra sao đây, trong khi ông lãnh đạo cũ (giám đốc điều hành Dennis Muilenburg) rời chức vụ với tiền đền bù đến 62 triệu đôla" - một người bạn nói trong chua chát.
Theo Tuoitre