Thế giới

Căng thẳng Nga-Ukraine đẩy giá lúa mì, dầu ăn tăng mức cao kỷ lục

ClockThứ Sáu, 04/03/2022 18:25
TTH.VN - Trang Bloomberg hôm nay (4/3) cho biết trong khi giá dầu ăn tăng vọt thì giá lúa mì cũng đang tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008 trước những lo ngại về tình trạng thiếu hụt trên toàn cầu. Nguyên nhân được cho là do xung đột ở Ukraine đã cắt đứt hơn 25% kim ngạch xuất khẩu của thế giới đối với mặt hàng chủ lực được sử dụng trong rất nhiều loại món ăn, từ bánh mì, bánh quy cho đến mì ống...

Giá lương thực thế giới đạt mức cao nhất trong 10 nămGia tăng lạm phát lương thực trong khu vực châu Á đang phát triển

Giá lúa mì đang tăng vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2008. Ảnh: Finvest

Từ dầu thô đến ngũ cốc và dầu ăn, các mặt hàng đang chứng kiến mức tăng đột biến kể từ khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, kéo theo việc Mỹ và châu Âu áp đặt các lệnh trừng phạt sâu rộng đối với Nga. Xung đột khiến các cảng lớn ở Ukraine bị đóng cửa, đồng thời cắt đứt mạng lưới hậu cần và vận tải. Các cuộc giao tranh cũng đe dọa việc trồng trọt trong những tháng tới. Thương mại với Nga hầu hết bị đình trệ do tác động của các biện pháp trừng phạt và người mua không sẵn lòng - hoặc không thể - trả chi phí bảo hiểm và cước phí gia tăng cần thiết để đảm bảo nguồn cung hàng hóa từ Biển Đen. 

Ukraine và Nga không chỉ là những nhà cung cấp chính các mặt hàng lúa mì, ngô và lúa mạch lớn mà còn đóng góp hơn 75% lượng dầu hướng dương xuất khẩu toàn cầu, một trong bốn loại dầu ăn hàng đầu thế giới. Điều đó khiến thị trường toàn cầu càng thắt chặt hơn và khiến giá dầu cọ và dầu đậu nành, hai loại dầu được sử dụng nhiều nhất, lên mức kỷ lục, trong khi giá ngô cũng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2012. Đáng lưu ý, Trung Quốc, nhà nhập khẩu ngô và đậu nành lớn nhất thế giới và là một trong những nước mua lúa mì hàng đầu, đang chuyển sang các biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung cấp thiết yếu trên thị trường toàn cầu, khiến giá được đẩy lên cao hơn nữa.

Hợp đồng lúa mì kỳ hạn tại Chicago hôm nay đã tăng mạnh đến 6,6% lên 12,09 USD/giạ. Thậm chí, có những dự báo giá sẽ còn tăng cao hơn nữa, gây áp lực lên lạm phát lương thực và làm phức tạp thêm tình thế của các ngân hàng trung ương về việc tăng lãi suất khi xung đột và các lệnh trừng phạt đang làm tổn hại đến tăng trưởng và phủ bóng lên nền kinh tế thế giới trong một thời gian dàisắp tới.

Theo dự báo của Citigroup Inc, giá lúa mì có thể tăng cao tới 14-14,5 USD/giạ trong một kịch bản “giá tăng cực mạnh” nếu xuất khẩu ở Biển Đen vẫn bị hạn chế. Ngay cả giá gạo cũng được đẩy lên cao trong tình trạng hỗn loạn, với giá giao sau tại Chicago gần đạt mức cao nhất kể từ tháng 5/2020.

Giá các loại dầu ăn đang tăng theo chiều thẳng đứng. Ảnh: CafeF

Trong khi đó, giá của 4 loại dầu chính, gồm dầu cọ, đậu nành, hạt cải dầu và hướng dương - đã tăng vọt, kéo theo sự tăng giá của nhiều mặt hàng khác liên quan, từ bánh kẹo cho đến dầu gội đầu tại các cửa hàng địa phương.

Giá dầu cọ, chiếm khoảng 1/3 nguồn cung dầu ăn toàn cầu, đã tăng hơn gấp đôi kể từ giữa tháng 6 năm ngoái, trong khi dầu đậu nành tăng khoảng 50%. Dầu hướng dương từ Ukraine cũng tăng khoảng 50%, theo giá từ UkrAgroConsult vào ngày 24/2. Và dầu hạt cải cũng vậy.

Giá tăng đột biến đang làm dấy lên lo ngại về nguồn cung cho các nhà nhập khẩu hàng đầu và làm gia tăng khả năng các nước có động thái bảo vệ thị trường nội địa bằng cách hạn chế xuất khẩu lương thực. 

Giới thương nhân cho biết Trung Quốc gần đây đã đặt khoảng 20 lô hàng đậu nành và khoảng 10 chuyến hàng ngô của Mỹ. Động thái này là một ví dụ khác về việc quốc gia này đang tập trung vào việc đảm bảo nguồn cung vào thời điểm giá cả tăng cao. Giá ngô kỳ hạn tăng 17% trong tuần này và hướng tới mức tăng hàng tuần lớn nhất kể từ năm 2008.

Argentina, một trong những nhà xuất khẩu lúa mì hàng đầu thế giới, sẽ triển khai một cơ chế cho đến đầu năm 2024 nhằm đảm bảo nguồn cung cho các công ty xay xát trong nước và giữ giá nội địa của các mặt hàng chủ lực như bột mì và mì ống. Chính phủ cho rằng “cơ chế này là một phản ứng để bảo vệ thị trường nội địa trong bối cảnh xung đột toàn cầu và giá lúa mì duy trì ở mức cao”.

Theo các chuyên gia kinh tế, cũng có nguy cơ tình trạng suy giảm nguồn cung sẽ khiến nhiều quốc gia sản xuất hạn chế xuất khẩu để đảm bảo an ninh lương thực trong nước và kiểm soát lạm phát.

Bà Khor Yu Leng, nhà kinh tế học của công ty tư vấn Segi Enam Advisors cho rằng “người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với giá cả tăng cao và có thể là nhiều vấn đề hơn nữa về nguồn cung. Từ góc độ xuất khẩu, chúng ta sẽ nhận thấy việc các nước đảm bảo nguồn cung nội địa sẽ làm căng thẳng thêm cú sốc bên ngoài, ảnh hưởng đến các lĩnh vực thực phẩm và chuỗi cung ứng”.

Bảo Nghi (Lược dịch từ Bloomberg)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Các nền kinh tế đang phát triển: Xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ USD

Dữ liệu mới vừa được Tổ chức Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) công bố cho thấy, xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số toàn cầu năm 2023 đã đạt tổng cộng 4.500 tỷ USD, trong đó, các nền kinh tế đang phát triển đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt mốc 1.000 tỷ USD về xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số.

Các nền kinh tế đang phát triển Xuất khẩu dịch vụ kỹ thuật số lần đầu tiên vượt mốc 1 000 tỷ USD
Châu Á đối mặt nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu do xung đột ở Trung Đông

Căng thẳng gia tăng giữa Israel và Iran đang đe dọa làm gián đoạn nguồn cung dầu được vận chuyển qua Eo biển Hormuz - một tuyến đường năng lượng quan trọng đối với châu Á. Khu vực này cũng đang đứng trước mối lo ngại ngày càng tăng rằng, một cuộc xung đột rộng hơn ở Trung Đông có thể làm tắc nghẽn nguồn cung và gây bất ổn thị trường dầu mỏ.

Châu Á đối mặt nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu do xung đột ở Trung Đông
Return to top