Người dân Afghanistan reo rào để vào sân bay Kabul ngày 16/8/2021. Ảnh: Reuters/Tuoitre
"Châu Âu chắc chắn sẽ phải tự trang bị cho mình những hành lang nhân đạo và sự tiếp nhận có tổ chức đối với những người tị nạn từ Afghanistan, cũng như để tránh dòng người nhập cư bất hợp pháp không kiểm soát được. Hoặc ít nhất, các nước sẵn sàng làm như vậy", ông Gentiloni nói với nhật báo Iltaly Il Messdowro trong một cuộc phỏng vấn ngày 16/8.
Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nhấn mạnh việc châu Âu cần có một phản ứng “mạnh mẽ, phối hợp và đoàn kết” trong việc đối phó với làn sóng tị nạn từ Afghanistan có thể tràn đến châu Âu qua các nước như Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, đồng thời để thiết lập quan hệ hợp tác với các nước quá cảnh và tiếp nhận tị nạn.
Tổng thống Macron cho biết Liên minh châu Âu hiện đang cố gắng điều chỉnh dòng người tị nạn đang gia tăng đáng kể từ Afghanistan, quốc gia có dân số gần 40.000 người. Cùng với Đức và các quốc gia EU khác, Pháp sẽ truy quét “những nhóm buôn người bất hợp pháp”.
“Chúng ta phải lường trước và tự bảo vệ mình trước các luồng di cư bất hợp pháp có thể gây nguy hiểm cho người di cư và có nguy cơ kích thích các hình thức buôn người”, Tổng thống Pháp nói trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm qua.
Ông Macron cũng thúc giục Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc - trong đó Pháp là thành viên thường trực - đưa ra phản ứng “hợp lý và thống nhất” đối với cuộc khủng hoảng đang nhấn chìm Afghanistan và khu vực rộng lớn hơn.
Được biết, các ngoại trưởng Liên minh châu Âu sẽ tổ chức một cuộc họp trong ngày 17/8, theo giờ địa phương, về các vấn đề Afghanistan.
“Theo dõi những diễn biến mới nhất ở Afghanistan, và sau những cuộc tiếp xúc căng thẳng với các đối tác trong những ngày qua, tôi đã quyết định triệu tập một hội nghị trực tuyến bất thường của các Ngoại trưởng EU để đưa ra những đánh giá đầu tiên”, người phụ trách chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell hôm qua cho biết. “Afghanistan đang đứng trước ngã ba đường. An ninh và phúc lợi của người dân cũng như an ninh quốc tế cần được đảm bảo”, ông nhấn mạnh.
Liên minh châu Âu cũng đang làm việc với các quốc gia thành viên để tìm ra các giải pháp nhanh chóng cho việc di dời các nhân viên địa phương người Afghanistan và gia đình của họ đến nơi an toàn.
Theo Reuters, di cư được xem là một vấn đề quan trọng trong hội nghị ngày 17/8. Theo đó, cuộc họp của các Ngoại trưởng EU có thể sẽ thảo luận về tình hình an ninh ở Afghanistan và những tác động của nó đối với việc di cư đến châu Âu, một điểm đến truyền thống của người tị nạn Afghanistan nói riêng và Trung Đông nói chung.
Song song đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm qua cũng đề xuất tổ chức một cuộc họp trực tuyến các nhà lãnh đạo Nhóm G7 “trong những ngày tới” để thảo luận về tình hình ở Afghanistan, cũng như về các biện pháp hỗ trợ người dân và ngăn chặn khủng bố ở quốc gia Trung Đông này.
Nhiều quốc gia thành viên EU lo ngại rằng những diễn biến ở Afghanistan có thể kích hoạt cuộc khủng hoảng di cư như trong những năm 2015-2016 tới châu Âu, khi sự xuất hiện của hơn 1 triệu người từ Trung Đông đã làm căng thẳng các hệ thống an ninh và phúc lợi của các quốc gia tiếp nhận người tị nạn.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ Reuters & Kyodo News)