Thế giới

Châu Âu chật vật đối phó với nắng nóng gay gắt và cháy rừng

ClockThứ Hai, 18/07/2022 21:27

Pháp báo động trước đợt nắng nóng kỷ lục sắp diễn ra

Phần lớn châu Âu đang chìm trong một đợt nắng nóng gay gắt với nhiệt độ dao động quanh ngưỡng 40 độ C ở một số vùng, khiến giới chức nhiều nước phải chật vật để kiểm soát các vụ cháy rừng nghiêm trọng đang hoành hành khắp các vùng nông thôn khô cằn từ Pháp, Hy Lạp, cho tới Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… Nhiệt độ tăng cao cũng được cho là nguyên nhân khiến hàng ngàn người tử vong ở khu vực này, tin từ Reuters ngày 18/7 cho hay.

Nhiệt độ tại thành phố Ourense, Tây Ban Nha có thời điểm đạt mức 47 độ C vào hôm 12/7. Ảnh: Reuters/http://vnmha.gov.vn

Tây Ban Nha đã phải huy động máy bay trực thăng để tưới nước xuống các đám cháy rừng khi nhiệt độ vượt trên 40 độ C và địa hình đồi núi khiến công việc của lính cứu hỏa trở nên khó khăn hơn.

Bàng hoàng khi chứng kiến ​​những làn khói dày đặc bốc lên trên thung lũng Jerte (Tây Ban Nha), nhiều người dân ở đây cho biết sức nóng đang khiến những ngôi nhà vốn xanh mát của họ trước đây giờ không khác gì ở miền nam bán khô cằn của đất nước.

“Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến tất cả mọi người”, một cư dân ở Jerte khẳng định.

Một nghiên cứu được công bố vào tháng 6 trên tạp chí “Nghiên cứu Môi trường: Khí hậu” đã kết luận rằng rất có khả năng biến đổi khí hậu đang làm cho các đợt nắng nóng trở nên tồi tệ hơn.

Tính đến nay, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đã ghi nhận hơn 1.000 ca tử vong, được cho là do đợt nắng nóng kéo dài gần một tuần qua. Nhiệt độ ở Tây Ban Nha đã lên tới 45,7C ở một số khu vực. Cơ quan thời tiết nước này cho biết đợt nắng nóng sẽ kết thúc vào ngày 18/7, nhưng cảnh báo nhiệt độ sẽ vẫn ở mức “cao bất thường”.

Tại Pháp, cháy rừng hiện đã lan rộng hơn 11.000ha ở vùng Tây Nam Gironde, hơn 14.000 người đã phải sơ tán, và hơn 1.200 nhân viên cứu hỏa đang phải vật lộn để kiểm soát các đám cháy, giới chức khu vực cho biết vào chiều 17/7.

Pháp đã ban hành cảnh báo đỏ - mức cao nhất có thể, cho một số khu vực, và kêu gọi người dân “hết sức cảnh giác”.

Tại Italy, nơi các đám cháy nhỏ hơn bùng phát trong những ngày gần đây, các nhà dự báo cho rằng một số khu vực sẽ chứng kiến mức nhiệt trên 40 độ C trong những ngày tới.

Trong khi đó, nước Anh đã có ngày nắng nóng kỷ lục hôm 18/7 với nhiệt độ lần đầu tiên chạm ngưỡng 40 độ C, khiến nhiều dịch vụ tàu lửa bị hủy bỏ và các cơ quan y tế phải huy động thêm nhiều xe cứu thương vào chế độ “trực chiến”.

Chính phủ Anh đã kích hoạt cảnh báo “khẩn cấp quốc gia” khi nhiệt độ được dự báo sẽ vượt qua mức 38,7 độ C được ghi nhận tại Vườn Bách thảo của Đại học Cambridge vào năm 2019 trong ngày 18-19/7. Một số trường học ở nước này đã đóng cửa sớm hơn thường lệ vào ngày 18/7, trong khi Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA) cũng đã nâng cảnh báo sức khỏe do nắng nóng lên Cấp độ 4 – khi nắng nóng có thể gây bệnh tật và tử vong cho cả những người khỏe mạnh, không chỉ riêng với những nhóm có nguy cơ cao.

Nắng nóng gay gắt cũng được ghi nhận ở Bồ Đào Nha, và khoảng 1.000 nhân viên cứu hỏa đã phải nỗ lực để kiểm soát hàng chục đám cháy rừng vào cuối tuần qua. Bộ Y tế Bồ Đào Nha cho biết trong vòng 7 ngày tính đến ngày 16/7, 659 người đã chết do nắng nóng, hầu hết trong số đó là người cao tuổi. Đỉnh điểm, nước này đã ghi nhận 440 người tử vong hôm 14/7, khi nhiệt độ vượt quá 40 độ C ở một số khu vực và lên tới 47 độ C tại một trạm khí tượng ở quận Vizeu, trung tâm đất nước.

TỐ QUYÊN

(Lược dịch từ Reuters)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lượng khí thải carbon từ cháy rừng toàn cầu tăng 60% trong 20 năm

Tờ Bloomberg ngày hôm nay (18/10) có bài viết cho hay, lượng khí thải carbon dioxide (CO2) từ các vụ cháy rừng đã tăng 60% trên toàn cầu kể từ năm 2001, trong bối cảnh ngày càng có nhiều đám cháy lớn hơn bùng phát ở những khu vực nóng lên nhanh chóng bên ngoài vùng nhiệt đới.

Lượng khí thải carbon từ cháy rừng toàn cầu tăng 60 trong 20 năm
2/3 nguồn cung nước của châu Âu bị ô nhiễm hóa chất

Theo báo cáo mới của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA), chỉ 1/3 các vùng mặt nước của châu Âu có chất lượng tốt, trong khi nhiều sông, hồ và vùng nước ven biển của khu vực này “bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hóa chất”. Ô nhiễm không khí từ các nhà máy điện than và thuốc trừ sâu từ nông nghiệp được xem là hai trong số những “thủ phạm chính”.

2 3 nguồn cung nước của châu Âu bị ô nhiễm hóa chất
Return to top