Biến chủng Omicron được dự đoán là nguyên nhân gây ra làn sóng Covid-19 lớn trong năm 2022 (Ảnh minh họa: EPA)
"Omicron dường như sẽ trở thành chủng SARS-CoV-2 thống trị toàn cầu vào năm 2022. Tác động của việc này vẫn chưa rõ ràng, nhưng mọi thứ cho thấy đại dịch vẫn chưa được kiểm soát và chúng ta vẫn sẽ chứng kiến các biến chủng mới xuất hiện cho tới khi tất cả mọi người trên thế giới đều được tiếp cận các liều vaccine Covid-19 ban đầu và vaccine tăng cường", bà Howard, nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Cộng đồng Saw Swee Hock (Singapore), dự báo.
Theo chuyên gia Howard, việc tiêm 2 liều vaccine Covid-19 vẫn chưa đủ để bảo vệ người dân Singapore trước biến chủng Omicron và mọi người nên tiếp tục tiêm liều vaccine tăng cường.
Phó giáo sư Ashley St John tại Trường Y Duke Đại học Quốc gia Singapore, nói rằng Omicron có thể sẽ là nguyên nhân gây ra "làn sóng Covid-19 lớn". Theo bà St John, mặc dù Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn hầu hết các biến chủng khác, nhưng bản chất của biến chủng này vẫn là SARS-CoV-2.
"Chúng ta đã thảo luận các biện pháp có thể kiểm soát (Omicron), bao gồm tiêm chủng, đeo khẩu trang ở những nơi công cộng hoặc đông người, và xét nghiệm trước khi gặp những người có nguy cơ cao", chuyên gia St John cho biết.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi thế giới cùng nhau chấm dứt đại dịch Covid-19 vào năm 2022. Bà Maria Van Kerkhove, chuyên gia hàng đầu về Covid-19 của WHO, cho rằng Covid-19 có thể kết thúc trong năm 2022.
"Năm 2022 phải là năm chúng ta chấm dứt đại dịch", Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên tại Geneva hôm 20/12.
Tỷ phú Bill Gates dự đoán giai đoạn cấp tính của đại dịch Covid-19 sẽ chấm dứt vào năm 2022. Bill Gates thừa nhận Omicron "đang gây lo ngại", nhưng cũng nhấn mạnh, với tốc độ phát hiện biến chủng mới như hiện nay cùng với việc phát triển vaccine và thuốc điều trị, ông hy vọng Covid-19 sẽ trở thành một bệnh đặc hữu vào năm 2022.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc đại dịch có chấm dứt vào năm 2022 hay không phụ thuộc nhiều vào sức mạnh của Omicron - biến chủng có nhiều đột biến chưa từng thấy của SARS-CoV-2. Sau khi được ghi nhận lần đầu tiên tại nam châu Phi hồi tháng trước, Omicron cho đến nay đã lan ra ít nhất 90 quốc gia trên thế giới và trở thành chủng trội ở một số nước, trong đó có Mỹ.
Tiến sĩ Lim Wee Kiat, phó giám đốc Trung tâm Thực hành Quản lý thuộc Đại học Quản lý Singapore, cho biết việc dự đoán khi nào đại dịch kết thúc là "vô ích".
Thực tế cho thấy đại dịch cúm năm 1918 chưa bao giờ thực sự chấm dứt. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, "hậu duệ" của virus cúm từ hơn một thế kỷ trước vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta sẽ bế tắc trong một năm nữa. Chuyên gia Howard nói rằng SARS-CoV-2, loại virus gây ra đại dịch Covid-19, sẽ trở thành đặc hữu nên nó sẽ luôn tồn tại.
"Vì vậy, câu hỏi đặt ra là: Chúng ta có thể sớm áp dụng phương pháp tiếp cận đối với bệnh đặc hữu thay vì đại dịch để sống chung với nó như thế nào. Các chỉ số chính cần lưu ý là tỷ lệ bệnh nặng và tử vong vì Covid-19", bà Howard nói thêm.
Các chuyên gia nhất trí rằng các biến chủng mới của virus là mối lo ngại và rủi ro chính trước mắt, và để đối phó với điều này, việc đảm bảo cả thế giới đều được tiếp cận với vaccine cần được ưu tiên.
"Vẫn có khả năng xuất hiện các biến chủng đáng lo ngại mới và dẫn đến những thay đổi về chính sách, nhất là khi phần lớn thế giới vẫn chưa được tiêm chủng. Vì lý do đó, tôi luôn nhấn mạnh tính công bằng của vaccine. Covid-19 sẽ vẫn tồn tại cùng chúng ta như một mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng cho đến khi đạt được các mục tiêu tiêm chủng trên toàn thế giới", chuyên gia St John nhận định.
Bà St John cho rằng thế giới cũng nên hướng tới việc phát triển các công thức vaccine giúp thúc đẩy tốt hơn khả năng miễn dịch lâu dài, chống lại sự lây nhiễm của virus một cách hiệu quả như ngăn ngừa ca bệnh nặng, hoặc vaccine hiệu quả hơn với người cao tuổi.
Theo Dân trí