Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca nằm trong danh mục vaccine được phân phối theo cơ chế COVAX. Ảnh: Nhandan
1. COVAX là gì?
COVAX là một sáng kiến đa phương do Tổ chức Y tế Thế giới WHO và các đối tác quốc tế khởi xướng, nhằm phát triển một bộ công cụ để chống lại đại dịch COVID-19. WHO cho biết chương trình này đã nhận được sự ủng hộ nhanh nhất và sự phối hợp sâu rộng nhất trong lịch sử để chống lại dịch bệnh, với mục tiêu phân phối 2 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19, chủ yếu cho các nước nghèo, vào năm 2021.
“Không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn”, đây được coi là câu “thần chú” của WHO kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu. Tuy nhiên, các quốc gia giàu có hơn có đủ nguồn lực để đặt hàng trước một lượng lớn vaccine, nhằm đảm bảo rằng công dân nước họ là những người đầu tiên trong hàng dài chờ vaccine khi các công ty dược phẩm được bật đèn xanh. Điều này khiến các chuyên gia nhân quyền của LHQ lo ngại về tình trạng “tích trữ vaccine”, nhấn mạnh rằng vaccine phải được phân phối cho tất cả mọi người.
2. COVAX hoạt động như thế nào?
Với hơn 2 tỷ USD được tài trợ bởi các quốc gia giàu hơn và các nhà tài trợ tư nhân, cơ chế COVAX được khởi xướng từ những tháng đầu của đại dịch nhằm đảm bảo rằng những người sống ở các quốc gia nghèo hơn sẽ không bị bỏ rơi khi các vaccine thành công được tung ra thị trường.
Theo đó, khoảng 92 quốc gia có thu nhập thấp đang mua vaccine với sự hỗ trợ từ COVAX, và dự kiến những công dân nghèo nhất sẽ được tiêm chủng miễn phí. Khoảng 80 nền kinh tế có thu nhập cao hơn tuyên bố sẽ mua vaccine từ ngân sách của mình.
3. Những loại vaccine nào đang được phân phối thông qua COVAX?
Đến cuối năm 2020, WHO đã đặt gần 2 tỷ liều vaccine hiện có và vaccine tiềm năng để sử dụng trên toàn thế giới. Với việc tập hợp được một kho vaccine khổng lồ như vậy, WHO có thể tự tin nói rằng COVAX sẽ phân phối đủ liều lượng vaccine để bảo vệ các nhân viên y tế và ở tất cả các nước thành viên vào giữa năm 2021.
Khoảng 1,2 triệu liều vaccine của Pfizer-BioNTech sẽ được chuyển đến 18 quốc gia trong quý I/2021 trên tổng số 40 triệu liều đã được ký kết. Một đợt triển khai lớn hơn nhiều với khoảng 336 triệu liều vaccine của AstraZeneca sẽ được gửi đến gần như tất cả các quốc gia đã đăng ký chương trình COVAX, từ Afghanistan cho đến Zimbabwe.
4. Những quốc gia nào đang nhận những liều vaccine COVID-19 đầu tiên?
Người dân châu Phi sẽ được phân phối vaccine COVID-19 theo cơ chế COVAX. Ảnh: TTXVN
Ngày 24/2, khoảng 600.000 liều vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca đã đến Ghana. Động thái được WHO hoan nghênh như một bước đi lịch sử hướng tới mục tiêu đảm bảo phân phối vaccine công bằng trên toàn thế giới. Trước đó, hơn nửa triệu liều vaccine của AstraZeneca cũng đã được chuyển đến Côte d’Ivoire.
Những lô hàng này là một phần trong 90 triệu liều vaccine đầu tiên sẽ được chuyển đến châu Phi theo cơ chế COVAX trong nửa đầu năm 2021, hỗ trợ việc tiêm chủng cho khoảng 3% những người cần được bảo vệ nhất, bao gồm cả nhân viên y tế và những người dễ bị tổn thương khác.
Người ta hy vọng rằng đến cuối năm nay, với sự có mặt của nhiều loại vaccine hơn và năng lực sản xuất tăng lên, 600 triệu liều sẽ được cung cấp và khoảng 20% dân số châu Phi sẽ được tiêm chủng.
5. Tại sao cơ chế COVAX lại quan trọng?
Đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho con người. Hơn 2 triệu người trên toàn thế giới đã thiệt mạng vì COVID-19, trong khi rất nhiều người khác phải nhập viện và tình trạng vẫn tiếp tục xấu đi. Ngoài ra, hàng tỷ người khác cũng bị ảnh hưởng bởi các biện pháp phong toả, hạn chế đi lại và các biện pháp khác được áp dụng để làm chậm sự lây lan của virus. Hàng triệu người mất việc khi nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại và các dịch vụ y tế bị quá tải, khiến bệnh nhân mắc các bệnh không liên quan đến COVID khó được điều trị hơn.
Do đó, nhiều người hy vọng rằng vaccine được phân phối theo cơ chế COVAX sẽ góp phần đảo ngược các xu hướng gây hại đó và đưa thế giới trở lại trạng thái bình thường.
Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghrebeyesus từng nhấn mạnh rằng COVAX không phải là một nỗ lực từ thiện vì trong một nền kinh tế toàn cầu có tính kết nối cao, thì phát triển vaccine hiệu quả và được phổ biến rộng rãi ở tất cả các quốc gia là cách nhanh nhất để chấm dứt đại dịch, khởi động lại nền kinh tế toàn cầu, và đảm bảo sự phục hồi bền vững. Theo ông, vì “không ai an toàn cho đến khi tất cả mọi người đều an toàn”, cho nên chúng ta sẽ “cùng bơi hoặc cùng chìm với nhau”.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ UN News)