Thế giới

Đại học Pháp ra mắt văn bằng đại học về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam

ClockThứ Bảy, 12/10/2019 09:23
Ngày 10/10/2019, trong khuôn khổ hợp tác với đối tác Việt Nam là Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Paul–Valéry Montpellier III, vùng Occitanie, miền Nam nước Pháp, đã chính thức ra mắt văn bằng đại học mới, chuyên ngành ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam

California chào đón các doanh nghiệp đầu tư từ Việt NamViệt Nam, Singapore ủng hộ giải quyết vấn đề Biển Đông dựa trên UNCLOSNữ họa sĩ Việt vẽ tranh trên khăn lụa 2 mét tặng Công chúa kế vị Thụy ĐiểnẤn tượng văn hóa Việt tại Hội chợ ASEAN Bazar ở ArgentinaVăn hóa vật thể và phi vật thể, thách thức đối với phát triển bền vữngQuảng bá văn hóa Việt Nam tại tuần lễ Pháp ngữ ở Pháp

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại lễ ra mắt Văn bằng đại học Về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam

Buổi ra mắt văn bằng đặc biệt này của Đại học Paul-Valéry Monptellier III có sự tham dự của ông Nguyễn Thiệp, Đại sứ Việt Nam tại Pháp. Đại sứ Nguyễn Thiệp khẳng định, sự kiện này có ý nghĩa to lớn đối với mối quan hệ hợp tác về văn hóa giữa Việt Nam và Pháp.Văn bằng đại học về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam tại Đại học Paul- Valéry Montpellier III có tên gọi là “Tremplin pour le Vietnam” (tạm dịch là “Bệ phóng tới Việt Nam”) được chính thức ra mắt vào ngày 10/10/2019 tại Nhà hát Vignette, thuộc khuôn viên Đại học Paul- Valéry Montpellier III, thành phố Montpellier, vùng Occitanie, miền Nam nước Pháp.

Đại sứ Nguyễn Thiệp nhấn mạnh: “Chương trình này sẽ đào tạo ra một thế hệ các nhà nghiên cứu trẻ của Pháp về Việt Nam. Thế hệ đó sẽ là những người đặt nền tảng cho việc giao lưu giữa hai nước. Thông qua việc ký kết chính thức như vậy, chúng ta có cơ hội đưa những người đó về Việt Nam, cũng như có cơ hội cho sinh viên Việt Nam sang đây làm việc, tạo nên một thế hệ các nhà nghiên cứu Pháp về Việt Nam và các nhà nghiên cứu Việt Nam về Pháp. Một số trường đại học ở Lyon hay Marseille cũng đã bày tỏ mong muốn có quan hệ hợp tác, trao đổi học bổng với các trường đại học Việt Nam vì “không thể hiểu Việt Nam nếu không nói tiếng Việt”. Vì vậy, sự kiện tại Đại học Paul-Valéry Montpellier III lần này là bước đầu tiên mang tính chất đột phá, đóng góp quan trọng cho việc tăng cường giao lưu văn hóa, đào tạo và lịch sử giữa hai nước”.

Tính trên toàn nước Pháp, một số cơ sở giáo dục đại học đã có các bộ môn về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, chẳng hạn tại Đại học Paris VII hay Viện Ngôn ngữ và Văn hóa Phương Đông (Inalco). Tuy nhiên, tại vùng Occitanie, đây là văn bằng đại học đầu tiên về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. Văn bằng đại học mới này ra đời là kết quả của quá trình hợp tác giữa Đại học Paul-Valéry Montpellier III và Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội, đặc biệt là vai trò điều phối, cầu nối của nhà sử học Pierre Journoud, giảng viên và điều phối viên của Đại học Paul Valéry Montpellier III tại khu vực Việt Nam – Lào – Campuchia.

Sinh viên đại học Paul-Valéry Montpellier III tại triển lãm ảnh Lãnh thổ biển Việt Nam vẻ đẹp bất tận

Trong bối cảnh Việt Nam và Pháp có mối quan hệ lịch sử gần gũi với nhiều thăng trầm trong lịch sử và quá trình hợp tác tốt đẹp như hiện nay, theo ông Journoud, việc các trường đại học tại vùng Occitanie nói chung, đặc biệt tại Đại học Paul-Valéry Montpellier III nói riêng, chưa có các chuyên ngành đào tạo về Việt Nam là một điều thiếu sót. Đây cũng chính là lý do thúc đẩy Pierre Journoud làm việc với các bên liên quan nhằm hình thành một văn bằng về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam.Chia sẻ trong buổi lễ ra mắt văn bằng mới, ông Pierre Journoud cho biết: “Trước hết, việc thành lập văn bằng mới này có liên quan tới câu chuyện cá nhân của tôi. Tôi biết Việt Nam từ khoảng 20 năm nay, tôi đã đi từ Bắc vào Nam và như nhiều người trước và sau tôi, sau đó tôi đã có tình yêu đối với đất nước Việt Nam. Tiếp đó, tôi đã nghiên cứu sâu hơn về lịch sử Việt Nam, về quan hệ Việt Nam và Pháp, lịch sử các cuộc chiến mà Việt Nam đã trải qua… Tôi đã gặp gỡ rất nhiều người thú vị và tôi đã nghiên cứu sâu hơn nữa về lịch sử. Đồng thời thông qua lịch sử, tôi cũng phát triển mối quan hệ hợp tác với Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn để bắt đầu so sánh các góc nhìn khác nhau về lịch sử, mong muốn phát triển các nhận thức về quá khứ chung và riêng giữa hai nước. Khi tôi làm việc tại Đại học Paul Valéry Montpellier III, một đại học lớn về chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn, với hơn 20 nghìn sinh viên, tôi nhận thấy rằng tại cơ sở này không giảng dạy gì về Việt Nam”.

Cùng với tình yêu văn hóa, con người Việt Nam, Pierre Journoud đã bắt đầu đề cập tới Việt Nam tại các cuộc thảo luận chuyên đề trong chương trình thạc sỹ, về khu vực châu Á Thái Bình Dương, về quan hệ quốc tế, về lịch sử quân sự. Trong những dịp này, nhà sử học Pierre Journoud nhận thấy các bạn trẻ Pháp rất quan tâm tới Việt Nam. Từ đó, ông đã góp phần thúc đẩy quá trình hợp tác, trao đổi sinh viên giữa Đại học Paul-Valéry Montpellier III và Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Hợp tác giữa hai bên đã giúp các bạn sinh viên Pháp có cơ hội đến và khám phá Việt Nam. Tất cả họ đã trở về với ấn tượng tốt đẹp về Việt Nam, về sự đón tiếp của các giảng viên, của các bạn sinh viên tại đất nước châu Á này.

Nhiều sinh viên Pháp thậm chí còn muốn tiếp tục ở lại hoặc sẽ trở lại Việt Nam để học tập và làm việc. Các sinh viên Pháp trong chương trình học Thạc sĩ, đến Việt Nam trong diện trao đổi sinh viên, đã thành lập một hiệp hội có tên “9307 km” (tên của Hiệp hội là khoảng cách địa lý từ thành phố Montpellier tới Hà Nội”). Hiệp hội này cũng nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Đại học  học Paul-Valéry Montpellier III và Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) với mục tiêu tăng cường tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên Pháp. Cũng trong khuôn khổ hợp tác giữa hai bên, một số sinh viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Pháp – Đại học Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) cũng có cơ hội học tập tại Pháp kể từ năm học 2019-2020.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Hoa, Phó Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ và văn Hóa Pháp, Đại học Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội), đại diện cho đối tác Việt Nam tham dự lễ ra mắt văn bằng về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam tại Đại học Paul-Valéry Montpellier III. Cô Nguyễn Thanh Hoa cũng sẽ tham gia giảng dạy trong chương trình này với tư cách giảng viên số 2. Theo cô Thanh Hoa, trong chương trình giảng dạy văn bằng về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam sắp tới của Đại học Paul-Valéry Montpellier III, 06 sinh viên Việt Nam đang theo học tại đây sẽ đóng góp vai trò quan trọng, đặc biệt là hỗ trợ các sinh viên Pháp trong các hoạt động văn hóa kèm theo, ngoài các giờ học chính thức.

Cô Hoa nhấn mạnh: “Sinh viên Việt Nam sẽ không chỉ là cầu nối về ngôn ngữ mà còn về văn hóa nữa. Đối tượng học viên Pháp trong chương trình mới này rất đa dạng, có những người đã biết nhiều nhưng cũng có những người chưa biết đến Việt Nam bao giờ. Vì vậy, trong các giờ học, các bạn sinh viên Việt Nam sẽ là trợ giảng về ngôn ngữ cho các học viên này. Về khía cạnh văn hóa, các bạn sinh viên Việt Nam sẽ tham gia tổ chức sự kiện, chẳng hạn như lễ ra mắt văn bằng mới về tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Sau đó, các bạn sẽ hỗ trợ quảng bá về văn hóa, ngôn ngữ và con người Việt Nam”.

Hiện đã có khoảng 20 sinh viên Pháp đăng ký tham gia khóa học đầu tiên của văn bằng Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam tại Đại học Paul-Valéry Monptellier III. Các học viên này sẽ trải qua 36 giờ học ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, 36 giờ nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử và địa lý Việt Nam. Toàn bộ thời gian của khóa học sẽ kéo dài trong vòng 1 năm, sau đó dự kiến được nâng lên thành 2 năm. Trong năm thứ 2, các học viên Pháp sẽ có cơ hội đến thực tập, làm việc trong môi trường Việt Nam để đạt được hiệu quả đào tạo cao nhất.

Trong khuôn khổ lễ ra mắt văn bằng mới về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, Đại học Paul-Valéry Monptellier III cũng đã tổ chức tọa đàm xung quanh cuốn sách “Lịch sử Việt Nam từ giai đoạn thực dân tới nay” (Histoire du Vietnam, de la colonisation à nos jours) do nhà nghiên cứu Benoît de Tréglodé làm chủ nhiệm nghiên cứu.

Cũng nhân dịp này, Đại học Paul-Valéry Monptellier III đã tổ chức triển lãm ảnh với chủ đề “Lãnh thổ trên biển của Việt Nam: Vẻ đẹp bất tận”. Triển lãm tập hợp gần 50 bức ảnh khổ lớn giới thiệu về vẻ đẹp, tiềm năng du lịch biển đảo của Việt Nam. Đáng chú ý, triển lãm cũng trưng bày một số hình ảnh về cuộc sống chiến đấu, sinh hoạt thường nhật trên các đảo của Việt Nam thuộc quần đảo Trường Sa, như một lời khẳng định chủ quyền hợp pháp của Việt Nam đối với khu vực biển này. Triển lãm ảnh sẽ kéo dài trong 2 tuần. Trong thời gian diễn ra triển lãm, ban tổ chức cũng trình chiếu 4 tập phim “Trường Sa – Hoàng Sa, nơi ghi dấu hồn thiêng đất Việt” do Ủy ban biên giới, Bộ ngoại giao Việt Nam phát hành.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chính thức mở cửa Học viện WHO tại Pháp:
Hiện thực hóa tầm nhìn về sức khỏe toàn cầu

Hãng Thông tấn The Jakarta Post ngày 19/12 đưa tin, Học viện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại thành phố Lyon, Pháp vừa chính thức mở cửa. Học viện sẽ góp phần đào tạo lực lượng lao động y tế tốt hơn trên toàn thế giới, thông qua chương trình đào tạo trọn đời mạnh mẽ nhất từng được thiết kế trong lĩnh vực y tế công cộng.

Hiện thực hóa tầm nhìn về sức khỏe toàn cầu
Bảo tàng Vatican ra mắt kiệt tác vừa được phục chế thành công

Bảo tàng Vatican mới đây công bố vừa phục chế thành công một trong những “viên ngọc quý” trong bộ sưu tập của Bảo tàng là “Apollo Belvedere” - một tác phẩm điêu khắc bằng đá cẩm thạch từ thế kỷ thứ 2 về vị thần Apollo của Hy Lạp. Đây được xem là một kiệt tác đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ nghệ sĩ và nhà thơ.

Bảo tàng Vatican ra mắt kiệt tác vừa được phục chế thành công
Trao quà cho nữ bệnh nhân ung thư

​Chiều 17/10, Bệnh viện Trung ương Huế (BVTW Huế) tổ chức ra mắt CLB tiếng Anh cho nữ cán bộ BV và CLB nghiên cứu khoa học cho hội viên chi hội Nữ trí thức bệnh viện.

Trao quà cho nữ bệnh nhân ung thư
Return to top