Lũ lụt nghiêm trọng xảy ra tại thành phố Liege, Bỉ hồi tháng 7 vừa qua. Ảnh minh họa: CNN/TTXVN
Cho đến nay, lũ lụt là sự kiện phổ biến nhất trong số các sự kiện thời tiết cực đoan, xảy ra thường xuyên hơn và mạnh hơn do các mô hình mưa được thúc đẩy bởi tình trạng biến đổi khí hậu.
Những trận lũ nghiêm trọng, chẳng hạn như những trận lũ vừa xảy ra trong thời gian gần đây ở Ấn Độ, Trung Quốc, Đức và Bỉ, đã gây ra thiệt hại lên tới hàng tỷ USD.
Hầu hết các bản đồ lũ lụt được dựa trên mô hình theo các quan sát trên mặt đất, như lượng mưa và độ cao so với mực nước biển, nhưng chúng thường có thể hoàn toàn bỏ sót các vùng mà trước đây không bị lũ lụt. Để lấp đầy những khoảng trống đó, một nhóm các nhà nghiên cứu có trụ sở tại Mỹ đã tiến hành kiểm tra dữ liệu vệ tinh của hơn 900 sự kiện lũ lụt riêng lẻ ở 169 quốc gia kể từ năm 2000.
Qua đó, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu để tạo ra Cơ sở dữ liệu lũ lụt toàn cầu, cung cấp thông tin nguồn mở về số người thiệt mạng, lượng người di dời và lượng mưa liên quan đến từng trận lũ trong số 913 trận lũ lụt.
Trong một bài viết được đăng tải trên Tạp chí Nature, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, hơn 86 triệu người do nhu cầu kinh tế thúc đẩy, đã chuyển đến các vùng lũ lụt trong giai đoạn 2000-2015, đánh dấu mức tăng 24%. Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian từ năm 2000-2018, tổng cộng 2,23 triệu km2 đã bị ngập lụt, gây ảnh hưởng lên đến 290 triệu người.
Mô hình máy tính cũng đã đưa ra các ước tính rằng, đến năm 2030, tình trạng biến đổi khí hậu và nhân khẩu học thay đổi đồng nghĩa là sẽ có thêm 25 quốc gia đối mặt với nguy cơ ngập lụt cao.
Bà Beth Tellman, tác giả chính của báo cáo nói trên, một nhà nghiên cứu tại Viện Trái đất thuộc Đại học Columbia, và là đồng sáng lập của Công ty phân tích lũ lụt Cloud to Street, nói với Tờ AFP rằng, số người tăng thêm phải đối mặt với nguy cơ lũ lụt hiện nay cao gấp 10 lần so với các ước tính trước đó.
Lê Thảo (Lược dịch từ AFP)