Những cánh rừng Đức đang bị hủy hoại bởi cháy rừng, hạn hán, sâu bệnh xâm lấn... Ảnh minh họa: TTXVN
Có thể nói, chính quyền nước này đang đấu tranh bằng mọi cách để chống lại tình trạng côn trùng, sâu bệnh xâm lấn, hạn hán kéo dài và cháy rừng.
Trả lời báo giới trước thềm hội nghị thượng đỉnh rừng quốc gia, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Julia Knockner khẳng định, Đức phải hồi sinh hệ thống rừng của mình để chống lại biến đổi khí hậu.
“Mỗi cây mất đi là mất đi một cánh tay chống lại biến đổi khí hậu. Bất cứ thứ gì chúng ta không gieo trồng hôm nay, con cái chúng ta sau này chắc chắn sẽ bỏ lỡ chúng”, vị Bộ trưởng nhấn mạnh.
Được biết, Bộ Môi trường Đức đã mời tổng cộng hơn 170 tổ chức và viện nghiên cứu tham gia vào hội nghị thượng đỉnh, nơi bộ sẽ trình bày dự luật để cứu lấy những cánh rừng đang bị hủy hoại. Hạn hán kéo dài và những trận bão đột ngột, cháy rừng và sự xâm lấn của bọ cánh cứng đang tác động đến 180.000 ha rừng, dữ liệu thống kê mới nhất cho hay. Nhiều khả năng diện tích đất rừng chịu tổn hại có thể đạt đến 250.000 ha, tương đương với diện tích tiểu bang Saarland của Đức.
Trước đây, hiệp hội BDF đã kêu gọi và thúc giục trồng 1 tỷ cây con ở Đức trong vòng 10 năm tới. Nhắc lại về kế hoạch này, Bộ trưởng Julia Knockner mới đây cho biết cần trồng ít nhất một số lượng cây mới bằng với lượng cây đã mất đi trong những năm vừa qua. Tùy thuộc vào khí hậu từng vùng, giống cây trồng sẽ khác nhau.
Thêm vào đó, khoản viện trợ cũng được đầu tư vào công tác loại bỏ cây chết ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng. Để triển khai chiến dịch này, Bộ trưởng Quốc phòng Annagret Krampt-Karrenbauer cam kết sẽ điều đồng sự giúp đỡ từ quân đội.
IG Bau, một công đoàn bao gồm các công nhân lâm nghiệp kêu gọi chính phủ thuê thêm 11.000 lao động để hỗ trợ chiến dịch trồng rừng diễn ra thuận tiện hơn.
Đan Lê (Lược dịch từ Dw)