Thế giới

EU đạt thỏa thuận cấm bao bì nhựa dùng một lần trong quán cà phê, nhà hàng

ClockThứ Ba, 05/03/2024 17:00
TTH.VN - Theo Tờ The Straits Times ngày hôm nay (5/3), các nhà đàm phán thuộc Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt được thỏa thuận nhằm cấm nhựa sử dụng một lần trong các quán cà phê và nhà hàng từ năm 2030, theo những quy định mới nhằm giảm rác thải từ hoạt động đóng gói trên toàn khối.

“Đá nhựa” được tìm thấy trên khắp thế giới - một phát hiện “đáng lo ngại”Singapore: Việc sử dụng túi nhựa ở siêu thị giảm đến 80% kể từ khi thu phí bắt buộcCảnh báo: Nhựa vẫn đang "hiện diện rộng rãi" trong thực phẩm

 Những chiếc ly nhựa sử dụng một lần tại Bourg-Blanc, Pháp. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Cụ thể, 27 quốc gia thuộc EU và các nhà lập pháp đã nhất trí về văn bản dự thảo đặt mục tiêu cắt giảm 5% rác thải bao bì trong khối vào năm 2030, so với mức được ghi nhận trong năm 2018. Tiếp đó, mục tiêu là giảm thêm 10% vào năm 2035, và 15% vào năm 2040.

Văn bản này là một yếu tố chính trong các mục tiêu môi trường của EU theo Thỏa thuận Xanh, một bộ luật nhằm giúp khối khu vực đạt được các mục tiêu về khí hậu.

“Quy định này nhằm mục đích giảm rác thải do việc đóng gói gây ra, làm cho chúng trở nên bền vững hơn, đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn quản lý rác thải cao nhất”, Chính phủ Bỉ, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU cho biết.

Bên cạnh đó, lệnh cấm bao bì nhựa sử dụng một lần từ năm 2030 cũng sẽ được áp dụng đối với trái cây và rau củ tươi chưa qua chế biến, các phần đóng gói lẻ của những sản phẩm như gia vị và đường, cũng như đồ vệ sinh cá nhân cỡ nhỏ và màng bọc cho vali ở các sân bay. Túi nhựa siêu nhẹ cũng sẽ bị cấm, trừ một số trường hợp ngoại lệ.

“Lần đầu tiên trong luật về môi trường, EU đặt ra các mục tiêu nhằm làm giảm tiêu thụ bao bì, bất kể loại vật liệu được sử dụng. Chúng tôi kêu gọi tất cả các ngành công nghiệp, các quốc gia thuộc EU và người tiêu dùng tham gia vào cuộc chiến chống lại việc đóng gói quá mức ”, bà Frederique Ries, một nhà lập pháp EU nói thêm.

Theo Nghị viện EU, các cơ sở cung cấp đồ uống và thức ăn mang đi cũng phải “nỗ lực” cung cấp 10% sản phẩm trong các bao bì có thể tái sử dụng vào năm 2030, đồng thời cũng nên cho người tiêu dùng lựa chọn sử dụng hộp đựng của riêng họ.

Đáng chú ý, các nhà lập pháp cũng bổ sung lệnh cấm đối với những loại “hóa chất vĩnh viễn” trong bao bì tiếp xúc với thực phẩm, trong một nỗ lực nhằm ngăn ngừa những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, bao gồm các loại ung thư khác nhau.

Bà Frederique Ries khẳng định: “Lệnh cấm đối với các loại hóa chất vĩnh viễn trong bao bì thực phẩm là một thắng lợi lớn cho sức khỏe của người tiêu dùng châu Âu”.

Được biết, thỏa thuận này sẽ trở thành luật sau khi được các quốc gia thành viên và Nghị viện EU chính thức phê duyệt.

THANH NGÂN (Lược dịch từ AFP & The Straits Times)
ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông sản Việt trước yêu cầu của thị trường EU

Liên minh châu Âu (EU) là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với các mặt hàng cà-phê, gỗ và cao su của Việt Nam với kim ngạch hằng năm đạt gần 3 tỷ USD. Đây cũng là các mặt hàng chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Quy định chống phá rừng (EUDR) sắp có hiệu lực thi hành. Quy định này sẽ tác động lớn đến chuỗi cung ứng hàng hóa, đòi hỏi doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị tốt.

Nông sản Việt trước yêu cầu của thị trường EU
Return to top