Thúc đẩy giao thông bền vững là nhiệm vụ của mọi quốc gia để hướng đến tương lai tốt đẹp hơn. Ảnh minh họa: AFP/Thanh Niên
Sự di chuyển của con người và hàng hóa - huyết mạch của rất nhiều sinh kế và thương mại; cầu nối để con người tiếp cận với các dịch vụ y tế, giáo dục, thực phẩm và tài chính - đột nhiên gần như dừng hoạt động.
Vẫn có thể thay đổi cục diện
Nhìn về viễn cảnh của cuối năm 2021, dưới cái bóng của đại dịch, thế giới đã mất đi nhiều năm, nếu không muốn nói là hàng thập kỷ, của tiến bộ xóa đói giảm nghèo. Bất bình đẳng trong và giữa các quốc gia ngày càng gia tăng. Triển vọng tăng trưởng kinh tế, ngay cả trong thời điểm hiện tại là không đồng đều và không chắc chắn. Biến đổi khí hậu tiếp tục diễn ra và không thể tránh khỏi, với những tác động tiêu cực của vấn đề này càng trở nên rõ nét.
Tuy nhiên, bất chấp những trở ngại này, chúng ta vẫn có thể đạt được tương lai tốt đẹp hơn bằng cách tuân theo các lộ trình chi tiết của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Song điều tiên quyết cần phải thực hiện là tăng cường nỗ lực tập thể.
Theo đó, các nước phải chuyển đổi nhanh chóng và khôn ngoan để đẩy nhanh tiến độ đồng thời trên nhiều mục tiêu đối với hành động tập trung, hành động toàn cầu. Cần hướng sự chú ý của mình đến các khu vực có mối liên kết sâu sắc, mang tính hệ thống ở các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường của sự phát triển bền vững.
Một trong những lĩnh vực quan trọng là giao thông bền vững. Nó nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh hơn, đảm bảo quyền tiếp cận phổ cập cho người dân; đảm bảo, tăng cường mức độ an toàn trên đường, cải thiện khả năng phục hồi và hiệu quả cao hơn, đồng thời giảm tác động môi trường đối với bầu không khí mà chúng ta hít thở.
Tuy nhiên, vẫn còn một con đường khá xa phải hoàn thành, nhất là khi hơn 1 tỷ người vẫn đang thiếu phương tiện đi lại ở mọi thời tiết và chỉ có khoảng một nửa dân số thành thị trên thế giới được sử dụng phương tiện giao thông công cộng một cách thuận tiện. Tai nạn giao thông đường bộ là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở thanh niên từ 15 – 29 tuổi và hệ thống giao thông vẫn không đủ khả năng chống chịu các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt diễn ra thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng hơn. Giao thông vận tải đóng góp khoảng ¼ lượng khí thải Carbon Dioxide trực tiếp từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch.
Đây là lý do tại sao Hội nghị Giao thông bền vững toàn cầu lần thứ hai của Liên Hiệp quốc, được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) từ ngày 14 – 16/10 đang diễn ra vào một thời điểm vô cùng quan trọng.
Ba ưu tiên chính
Nhìn chung, có 3 ưu tiên chính mà chính phủ các nước cần đảm bảo.
Đầu tiên, phương tiện giao thông phải có thể tiếp cận được, an toàn và giá cả phải chăng cho mọi người, ở mọi nơi.
Các quốc gia đang phát triển không có đất đai, các quốc gia kém phát triển nhất và các quốc đảo nhỏ đang phát triển cần được hỗ trợ để đi tắt, đón đầu, hướng tới các kết nối bền vững, linh hoạt với các mạng lưới khu vực và toàn cầu. Những nỗ lực có mục tiêu là cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông và khả năng tiếp cận cho những đối tượng người dân gặp khó khăn nhất trong việc sử dụng các dịch vụ di chuyển.
Thứ hai, trong khi những nỗ lực được triển khai, cần phải có nhiều hành động hơn nữa, nhanh hơn nữa để thúc đẩy sử dụng phương tiện giao thông vì hành động môi trường. Cải thiện hiệu quả năng lượng và tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng Carbon thấp hoặc bằng 0, chẳng hạn như nhiên liệu thay thế, hoặc xe điện chạy bằng năng lượng tái tạo phải được mở rộng ngay lập tức. Đồng thời, đầu tư vào cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu tốt hơn cũng là những điều cần thiết để chống lại những tác động bất lợi đã và đang xảy ra. Khi hành động, cũng cần phải chú ý không tạo thêm sự bất bình đẳng và phá hủy môi trường tự nhiên.
Thứ ba, cần triển khai mọi hành động cần thiết để gắn kết các quốc gia, hợp tác quốc tế.
Khi tất cả các quốc gia, tất cả mọi người có chung định hướng về con đường thoát khỏi đại dịch, đã đến lúc tất cả cùng chung tay để biến vận tải bền vững trở thành lực lượng cho các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) và hành động khí hậu. Với hạn cuối là vào năm 2030, chúng ta không thể bỏ lỡ cơ hội này!
Hạnh Nhi (Lược dịch từ Jakarta Post)