Thế giới

Hội nghị Bộ trưởng WTO: Chuyển đổi sang “thương mại xanh” là việc cấp thiết

ClockThứ Ba, 14/06/2022 16:27
TTH.VN - Với việc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đưa vấn đề biến đổi khí hậu vào trọng tâm của các cuộc đàm phán tại Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 12 (MC12) đang diễn ra ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala ngày 13/6 nhấn mạnh rằng việc chuyển đổi sang thương mại xanh hiện đang trở thành một yêu cầu “cấp thiết”.

Thủ tướng Nhật Bản cam kết thúc đẩy chuyển đổi xanh, kỹ thuật sốFAO hỗ trợ xây dựng đối tác xanh cho nền nông nghiệp mới Việt NamTrái đất đối mặt nhiều nguy cấp, nhưng vẫn còn hi vọng phục hồiChâu Âu đặt ra chuyển đổi lớn nhất trong tài trợ cho tăng trưởng sạch hơn

Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala. Ảnh: THX/TTXVN

WTO đang tổ chức cuộc họp đầu tiên của các bộ trưởng sau gần 5 năm và các vấn đề môi trường đang chiếm vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự của cơ quan thương mại toàn cầu.

Theo tin từ AFP, Liên minh châu Âu hôm qua (13/6) đã hợp tác với Ecuador, Kenya và New Zealand để thành lập Liên minh các Bộ trưởng Thương mại mới về Khí hậu, và kỳ vọng các nước khác sẽ tham gia diễn đàn.

Song song đó, các quốc gia cũng đang tập hợp lại với nhau trong các nhóm khác để cố gắng tìm ra các giải pháp chung cho các vấn đề như thương mại bền vững với môi trường và giải quyết ô nhiễm nhựa.

“Xanh hóa thương mại là điều cấp thiết: biến đổi khí hậu không chờ đợi ai”, Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala nhấn mạnh sau khi tham dự buổi ra mắt Liên minh mới vào ngày họp thứ hai của Hội nghị Bộ trưởng WTO ở Geneva.

Ủy viên thương mại EU Valdis Dombrovskis cho biết Liên minh mới này sẽ nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu một cách công bằng thông qua chính sách thương mại.

“Thương mại phải là một phần của giải pháp. Đó là động cơ tăng trưởng, có thể tạo ra nhiều việc làm xanh mới, giảm nghèo và hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang các nền kinh tế trung hòa với carbon”, ông Dombrovskis phát biểu tại sự kiện hôm qua.

Tương lai cho thế hệ trẻ

Theo AFP, các bộ trưởng muốn thúc đẩy thương mại và các chính sách thương mại, nhằm hỗ trợ sự phát triển bền vững và các mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris năm 2015.

Dự kiến, cuộc họp đầu tiên của liên minh mới sẽ diễn ra vào tháng 7 tới để vạch ra các bước đi tiếp theo.

Biến đổi khí hậu không hoàn toàn nằm trong mục tiêu của WTO, nhưng tổ chức này - vốn đang tìm cách phục hồi vị thế trên trường thế giới, muốn đưa phát triển bền vững và bảo vệ môi trường trở thành những mục tiêu cốt lõi của tổ chức.

“Chúng ta cần phải thay đổi sâu sắc cách chúng ta sản xuất và tiêu dùng mọi thứ nếu muốn con cháu chúng ta có một cuộc sống bền vững, yên bình và thoải mái trong 50 năm tới”, Phó tổng giám đốc WTO Zhang Xiangchen nói.

Theo truyền thống, WTO đạt được các thỏa thuận bằng sự đồng thuận, và một số trong số 164 thành viên sẽ thành lập các nhóm về các vấn đề khác nhau để cùng hướng tới mục tiêu chung. Biến đổi khí hậu cũng không phải là một ngoại lệ.

Cuối tháng 12 năm ngoái, nhiều quốc gia thành viên WTO đã cam kết tăng cường thảo luận về các vấn đề ô nhiễm nhựa, trợ cấp nhiên liệu hóa thạch và thương mại bền vững với môi trường - một động thái được ca ngợi là “lịch sử”.

Đại sứ Australia tại WTO George Mina, người đồng chủ trì Đối thoại không chính thức về ô nhiễm nhựa, cho biết hiện đã có 72 quốc gia tham gia.

Ông Mina cho biết các quốc gia đã thất bại trong việc giải quyết các vấn đề nghiêm trọng về môi trường thông qua WTO, nhưng trong những tháng gần đây, tình hình đã có những tín hiệu khả quan hơn. “Chính sách thương mại phải là một phần của giải pháp về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, ông khẳng định.

Đồng chủ tịch Li Chenggang, đại sứ Trung Quốc tại WTO nói thêm rằng “nhựa là một nguyên liệu thô cơ bản quan trọng, nhưng việc rò rỉ chất thải nhựa trong môi trường tự nhiên đã gây ô nhiễm và gây hại cho môi trường”.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ AFP)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trước giờ tắt sóng, vẫn còn khoảng 300 nghìn thuê bao 2G chưa chuyển đổi

Từ 0 giờ ngày 16/10, các nhà cung cấp dịch vụ di động sẽ thực hiện tắt sóng mạng 2G. Tuy nhiên, thông tin từ Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho thấy, vào chiều ngày 15/10 trên cả nước vẫn còn khoảng 316 nghìn thuê bao 2G only, trong đó Viettel còn khoảng 180 nghìn thuê bao, VNPT còn 81 nghìn thuê bao, MobiFone còn gần 38 nghìn thuê bao và Vietnamobile còn khoảng 17 nghìn thuê bao.

Trước giờ tắt sóng, vẫn còn khoảng 300 nghìn thuê bao 2G chưa chuyển đổi
Chuyển đổi để nâng tầm

Thực hiện Quyết định số 2117 ngày 6/8/2024 của UBND tỉnh, Trường trung cấp Thể dục Thể thao được chuyển đổi thành Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể thao tỉnh. Mô hình hoạt động mới này nhằm đưa thể thao thành tích cao, các môn thế mạnh của Thừa Thiên Huế phát triển đúng hướng, vươn lên tầm vóc mới.

Chuyển đổi để nâng tầm
Chuyển đổi từ cơ chế “phân cấp” sang “phân quyền” để quản lý, khai thác tài sản công hiệu quả

Chính phủ đề xuất sửa đổi quy định về thẩm quyền quyết định trong mua sắm, thuê, quản lý, sử dụng, xử lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, từ cơ chế Chính phủ, bộ, cơ quan Trung ương, HĐND cấp tỉnh “phân cấp” thẩm quyền sang cơ chế phân quyền cho Chính phủ, bộ, cơ quan Trung ương, HĐND cấp tỉnh “quy định” thẩm quyền nhằm nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Chuyển đổi từ cơ chế “phân cấp” sang “phân quyền” để quản lý, khai thác tài sản công hiệu quả
Return to top