Thế giới

Hội nghị thượng đỉnh đa dạng sinh học Liên hợp quốc: Biến lời nói thành hành động

ClockThứ Ba, 08/10/2024 16:24
TTH.VN - Hai năm sau thỏa thuận mang tính bước ngoặt do Liên hợp quốc (LHQ) hậu thuẫn nhằm bảo vệ thiên nhiên khỏi làn sóng hủy diệt nghiêm trọng, các đại biểu toàn cầu sẽ tập trung tại một hội nghị mới của LHQ ở Colombia vào cuối tháng này để đánh giá tiến độ trong thời gian qua.

Mất đa dạng sinh học là nguyên nhân lớn nhất gây nhiều lo ngại về bệnh truyền nhiễmThế giới đoàn kết tìm giải pháp cho “3 cuộc khủng hoảng hành tinh”COP28 thúc đẩy tài chính và đoàn kết toàn cầu vì rừng và Đại dương

Hội nghị thượng đỉnh đa dạng sinh học COP16 sẽ diễn ra từ ngày 21/10 - 1/11 tại thành phố Cali, Colombia. Ảnh: Linkedln

Theo AFP, đại diện từ gần 200 quốc gia dự kiến sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh đa dạng sinh học COP16 diễn ra từ ngày 21/10 đến 1/11 tại thành phố Cali, Colombia - 2 tuần trước khi hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP29 sẽ được tổ chức tại thủ đô Baku của Azerbaijan.

Hội nghị đa dạng sinh học COP15 năm 2022 tại Montreal (Canada) đã kết thúc với một thỏa thuận đột phá hướng đến mục tiêu đến năm 2030 sẽ bảo vệ được 30% hành tinh khỏi ô nhiễm, suy thoái và khủng hoảng khí hậu.

COP16 sẽ đánh giá tiến độ đạt được và xem xét liệu các nước giàu có có thực hiện đúng cam kết sẽ tài trợ 30 tỷ USD mỗi năm để giúp các nước đang phát triển bảo vệ hệ sinh thái của mình hay không.

Với hội nghị lần này, Colombia - quốc gia có đa dạng sinh học đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Brazil, đặt mục tiêu sẽ đi đầu trong việc bảo vệ thiên nhiên và chống biến đổi khí hậu.

COP16 sắp diễn ra trong bối cảnh Brazil và các quốc gia Mỹ Latinh khác đang phải vật lộn để thoát khỏi một trong những mùa cháy rừng nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua, chủ yếu do nạn phá rừng tràn lan và biến đổi khí hậu.

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, người sẽ chủ trì hội nghị về biến đổi khí hậu COP30 vào năm 2025, và tân Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum cùng hàng chục nhà lãnh đạo khác dự kiến sẽ tham dự các cuộc đàm phán ở Cali tới đây.

AFP cũng cho biết mặc dù được ca ngợi vì trao cho các nhóm thổ dân vai trò lãnh đạo trong việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nhưng Colombia cũng phải đối mặt với những thách thức lớn về môi trường khi nhiều khu vực rừng rộng lớn đã bị chặt phá để trồng cây bất hợp pháp dùng trong sản xuất cocaine.

Ngoài ra, nước chủ nhà COP16 cũng còn rất nhiều việc để làm khi thế giới đang phải gấp rút chạy đua với thời gian nhằm ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài. Nền tảng chính sách khoa học liên chính phủ của LHQ về đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái (IPBES) cho biết 70% hệ sinh thái toàn cầu hiện đã bị suy thoái.

Trước tình hình đó, bà Juliette Landry - nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Phát triển bền vững và Quan hệ quốc tế của Pháp cho rằng một trong những thách thức chính đối với Colombia là cố gắng đưa ra lộ trình “đáng tin cậy” để đạt được các mục tiêu đặt ra cho năm 2030.

Được biết đến nay, chỉ có khoảng 20 quốc gia đệ trình chiến lược đa dạng sinh học quốc gia và kế hoạch hành động (NBSAP) đã cập nhật mà các nước cam kết sẽ cung cấp tại COP16. 

Cũng tại hội nghị lần này, các nước đang phát triển dự kiến sẽ gây sức ép buộc các nước phát triển phải chịu trách nhiệm lớn hơn trong việc cứu lấy hành tinh.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ AFP)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhiệt độ “cao bất thường” sẽ kéo dài đến vài tháng đầu năm 2025

Các nhà khoa học từ Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus của EU (C3S) ngày 9/12 cho biết nhiệt độ “cao bất thường” dự kiến ​​sẽ kéo dài sang ít nhất vài tháng đầu năm 2025, sau khi năm 2024 được báo cáo là năm ấm nhất thế giới kể từ khi có số liệu thống kê.

Nhiệt độ “cao bất thường” sẽ kéo dài đến vài tháng đầu năm 2025
Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới

Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) tổ chức tại Baku (Azerbaijan) từ ngày 11 - 22/11 đưa tính cấp thiết của việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu trở lại chương trình nghị sự quốc tế.

Hãy dùng hành động để ủng hộ “thỏa thuận xanh” của thế giới
Return to top