Thế giới

Moderna: Vaccine COVID-19 có thể kém hiệu quả với biến thể Omicron

ClockThứ Ba, 30/11/2021 18:08
TTH.VN - Hãng dược Mỹ Moderna hôm nay (30/11) vừa gióng lên hồi chuông cảnh báo mới trên thị trường tài chính khi Giám đốc điều hành (CEO) Stephane Bancel của công ty này cảnh báo rằng hiệu quả của vaccine ngừa COVID-19 đối với biến thể Omicron có thể sẽ kém hơn so với các biến thể trước đây, bao gồm cả Delta.

"Vũ khí" diệt biến chủng Omicron có thể "trình làng" vào đầu năm sauBiến thể Omicron lây lan rộng khắp thế giớiWHO kêu gọi Đông Nam Á cảnh giác trước biến thể OmicronKhẩn trương đánh giá hiệu quả thuốc, vắc xin với biến thể Omicron

Moderna lo ngại rằng vaccine ngừa COVID-19 có thể sẽ kém hiệu quả hơn đối với biến chủng Omicron. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN

Trong một thông tin mới nhất của Reuters, giá dầu thô kỳ hạn đã giảm hơn 1 USD, đồng tiền Australia cũng chạm mức thấp nhất trong 1 năm qua… khi cảnh báo của CEO Bancel làm dấy lên lo ngại rằng tình trạng kháng vaccine có thể dẫn đến nhiều ca lây nhiễm và nhập viện hơn, khiến đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục kéo dài. Cổ phiếu ở châu Á - Thái Bình Dương đã giảm trong phiên giao dịch sáng nay (30/11), dẫn đầu là mức giảm 2,4% đối với Chỉ số chứng khoản tổng hợp Hàn Quốc (KOSPI) và 1,9% đối với chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc). Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cũng giảm 1,6%.

Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với Financial Times, ông Bancel cho rằng vaccine COVID-19 “sẽ không có cùng mức độ hiệu quả” với biến chủng Omicron như đã có với Delta. “Tôi nghĩ đó sẽ là một sự sụt giảm”, ông nói, mặc dù không biết chắc là bao nhiêu vì cần phải chờ thêm dữ liệu nghiên cứu. Tuy nhiên, giám đốc Moderna nói rằng tất cả các nhà khoa học mà ông đã trao đổi gần như đều không mấy lạc quan về tình hình sắp tới. Ông Bancel cũng nói với kênh CNBC rằng có thể sẽ phải mất nhiều tháng để phát triển và xuất xưởng một loại vaccine nhắm mục tiêu cụ thể vào biến thể omicron.

“Nguy cơ toàn cầu”

Omicron – biến thể mới của virus SARS-CoV-2 mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm qua (29/11) đã cảnh báo nhiều khả năng sẽ tiếp tục lây lan rộng, đang đặt ra “nguy cơ toàn cầu” rất cao, và có thể gây “hậu quả nghiêm trọng” ở một số khu vực. Trước mối lo ngại về Omicron, một số quốc gia đã nhanh chóng đóng cửa biên giới, phủ bóng đen lên sự phục hồi kinh tế đang còn non trẻ sau 2 năm đại dịch.

Tin tức về sự xuất hiện của Omicron đã “thổi bay” khoảng 2.000 tỷ USD giá trị của chứng khoán toàn cầu trong phiên giao dịch cuối tuần trước (26/11), mặc dù thị trường hiện đã khôi phục được phần nào trong tuần này khi các nhà đầu tư “điềm tĩnh hơn” trong lúc chờ đợi thêm dữ liệu về các đặc điểm của biến thể Omicron.

Song song đó, việc Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ không tái áp đặt các đợt đóng cửa cũng đã giúp xoa dịu thị trường trước những cảnh báo từ người đứng đầu hãng dược Moderna.

Tổng thống Biden cũng kêu gọi mở rộng việc tiêm chủng, trong khi Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) hối thúc người dân từ 18 tuổi trở lên đi tiêm mũi tăng cường. Trước bối cảnh nhiều lo ngại vì Omicron, Anh cũng tuyên bố mở rộng chương trình tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19.

Nỗi sợ hãi về biến thể mới cũng khiến nhiều quốc gia trên thế giới nhanh chóng tiến hành thắt chặt kiểm soát biên giới để ngăn chặn nguy cơ tái diễn của các đợt đóng cửa nghiêm ngặt hồi năm ngoái và suy thoái kinh tế theo chiều thẳng đứng.

Được báo cáo lần đầu tiên vào ngày 24/11 từ Nam Phi, biến thể Omicron kể từ đó đến nay đã lan rộng đến hơn một chục quốc gia trên thế giới. Hàng loạt quốc gia như Áo, Hà Lan, Đức, Anh, Scotland đã xuất hiện các ca nhiễm COVID-19 mang biến chủng Omicron. Tại châu Á, Ấn Độ và Hong Kong (Trung Quốc) cũng đã ghi nhận những ca Omicron đầu tiên và đều là khách nhập cảnh.

Tại Australia, 5 du khách có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể Omicron. Các quan chức nước này cho biết các bệnh nhân đã được tiêm phòng và được cách ly. Được biết, những người này không có triệu chứng hoặc chỉ biểu hiện các triệu chứng rất nhẹ.

Hôm qua, Canberra đã quyết định hoãn việc mở lại biên giới quốc gia cho sinh viên quốc tế và những lao động di cư có tay nghề cao, chưa đầy 36 giờ trước khi họ được phép trở lại Australia. 

Trước đó, Israel và Nhật Bản đã lần lượt tuyên bố đóng cửa biên giới với người nước ngoài để ngăn chặn các ca nhiễm Omicron “nhập khẩu”.

WHO nhắc lại rằng, trong khi chờ tư vấn thêm, các quốc gia nên sử dụng “cách tiếp cận dựa trên rủi ro để điều chỉnh các biện pháp đi lại quốc tế một cách kịp thời”, đồng thời thừa nhận rằng sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 có thể dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao hơn.

WHO cũng hối thúc cộng đồng quốc tế phải sẵn sàng ứng phó với biến chủng mới, vì “tác động đối với các nhóm dân số dễ bị tổn thương sẽ là rất đáng kể, đặc biệt là ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp”.

Hiệp ước chống đại dịch

Trong một diễn biến liên quan, các quốc gia thành viên WHO đã đạt được đồng thuận trong việc khởi động tiến trình đàm phán nhằm đi đến một “hiệp ước chống đại dịch”, trong đó nhấn mạnh rằng hợp tác quốc tế nhiều hơn là điều cần thiết để duy trì “những thành quả phải rất khó khăn mới đạt được” trong tiến trình chống lại đại dịch.

Tổng giám đốc WHO Tedros cho rằng, thế giới đã không có phản ứng tương xứng với COVID-19, và sự bất bình đẳng về vaccine, cùng với những thách thức khác, đã tạo điều kiện cho sự xuất hiện của các biến thể đột biến cao mới như Omicron.

Được biết, “hiệp ước chống đại dịch” sẽ bao gồm các vấn đề như chia sẻ dữ liệu và trình tự bộ gen của các loại virus mới nổi và bất kỳ loại vaccine tiềm năng nào có được từ nghiên cứu. Kết quả cuối cùng về việc ban hành một hiệp ước hay một công cụ khác sẽ được đệ trình và xem xét tại cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) năm 2024.

TỐ QUYÊN (Lược dịch từ CNBC, Reuters & UN News)

 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức

Từ ngày 26 - 29/11, các đoàn đại biểu từ hơn 110 quốc gia đang tập trung ở Thủ đô Bangkok, Thái Lan để đưa ra các lộ trình quốc gia và đàm phán một tuyên bố chung về sức khỏe răng miệng tại Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu đầu tiên, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức.

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức
COP29: WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu

Ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng kêu gọi chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời ủng hộ sự thích ứng và phục hồi lấy con người làm trung tâm.

COP29 

WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu
Return to top