Thân nhân dự lễ tưởng niệm các nạn nhân tử nạn trong vụ tấn công khủng bố 11/9 cách đây 19 năm tại Đài tưởng niệm và Bảo tàng 11/9, ở New York (Mỹ), ngày 11/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo quyết định trên, lực lượng đặc nhiệm trên sẽ tiếp tục được duy trì thêm năm năm đến tháng 6/2025.
Lực lượng đặc nhiệm được thành lập vào năm 2005 nhằm thu thập dữ liệu về những tác động xấu đối với sức khỏe của những người tham gia cứu hộ, phục hồi và ứng phó tại Trung tâm Thương mại thế giới sau vụ tấn công 11/9.
Việc thu thập dữ liệu nhằm xác định các hạn chế của các chương trình hiện có dành cho những người lao động tàn tật liên quan tới sự kiện trên và đưa ra các khuyến nghị để cải thiện các chương trình.
Phát biểu trước báo giới, Thống đốc Cuomo nêu rõ những người tham gia cứu hộ, phục hồi và ứng phó sau thảm kịch 11/9 đã "quên đi sức khỏe và sự an toàn của họ để giúp New York phục hồi sau hậu quả của vụ 11/9" và "họ xứng đáng được chăm sóc như cách họ đã chăm sóc chúng ta."
Ông khẳng định biện pháp này sẽ giúp đảm bảo những người này tiếp tục nhận được sự chăm sóc cần thiết và New York có thể hành động để đáp ứng nhu cầu của họ.
Gần hai thập kỷ đã trôi qua, nhưng đối với người dân Mỹ, đặc biệt là đối với người dân thành phố New York, những ký ức về vụ tấn công khủng bố đẫm máu xảy ra ngày 11/9 không thể phai mờ trong tâm trí khi họ phải chứng kiến những khoảnh khắc đau thương.
Gần 3.000 người dân Mỹ đã thiệt mạng và 6.000 người bị thương, trong số đó có khoảng 2.700 người dân thành phố New York. Số người thiệt mạng liên quan đến thảm kịch trên vẫn tiếp tục tăng cho tới ngày nay do bị ảnh hưởng khi tham gia cứu hộ, phục hồi và ứng phó với vụ tấn công.
Năm nay, người dân Mỹ tổ chức các hoạt động tưởng niệm sự kiện làm thay đổi nước Mỹ cũng như diện mạo của thành phố New York này trong bối cảnh cường quốc hàng đầu thế giới một lần nữa phải đương đầu với những mất mát to lớn trong cuộc khủng hoảng kinh hoàng do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra, khiến gần 200.000 người thiệt mạng cũng như gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Mỹ.
New York cũng là nơi phải chịu hậu quả nặng nề nhất của đại dịch khi thành phố này trở thành ổ dịch lớn với hơn 23.000 người tử vong.
Không giống những năm trước, từ thành phố New York đến thủ đô Washington DC và bang Pennsylvania, nơi xảy ra các vụ tấn công, thường tập trung rất đông người tới tham dự, năm nay, những người thân của các nạn nhân cũng như các nhà lãnh đạo đất nước tham dự các lễ tưởng niệm với hình thức khác khi phải duy trì các quy định về giãn cách xã hội.
Theo TTXVN/Vietnam+