Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, nền kinh tế thế giới có khả năng cao rơi vào suy thoái nghiêm trọng. Ảnh minh họa: Reuters/Nhân dân
Tình hình này khiến Ngân hàng Thế giới (WB) ra cảnh báo, cùng lúc kêu gọi chính phủ các nước thúc đẩy nguồn cung để giảm bớt hạn chế gây nên do vấn đề tăng giá cả hàng hóa.
Được biết, lạm phát trên toàn thế giới đang gia tăng với tốc độ nhanh nhất trong nhiều thập kỷ do hạn chế về nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu tăng cao sau dịch. Tình hình thậm chí còn trở nên nghiêm trọng hơn trong năm nay do xung đột giữa Nga và Ukraine, cộng thêm hạn chế nghiêm ngặt được Trung Quốc đưa ra để chống dịch. Để đối phó với tình hình, các ngân hàng trung ương đã triển khai nhiều hành động phản ứng, có thể kể đến như tăng lãi suất để hạ nhiệt nhu cầu và giảm lạm phát.
Dù vậy, trong ý kiến mới nhất, các nhà kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo, có thể những hành động như vậy là không đủ để kiểm soát tình trạng giá cả tăng cao. Việc tiếp tục tăng lãi suất có thể sẽ kìm hãm tốc độ tăng trưởng.
Nhiều quốc gia có thể sẽ không tránh khỏi suy thoái, sự chậm lại trên toàn thế giới và chính sách tiền tệ bị thắt chặt “có thể làm gia tăng căng thẳng tài chính đáng kể, cùng lúc kích hoạt nguy cơ suy thoái toàn cầu vào năm 2023”.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho biết trong một tuyên bố: “Tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại một cách mạnh mẽ, thậm chí còn có khả năng chậm lại hơn nữa khi nhiều quốc gia rơi vào tình trạng suy thoái kinh tế”.
Chủ tịch David Malpass nhấn mạnh: “Điều tôi lo lắng là những xu hướng này vẫn sẽ tồn tại, với những hậu quả lâu dài sẽ “tàn phá” người dân ở các nền kinh tế mới nổi và nền kinh tế đang phát triển”.
Do đó, ông kêu gọi các nhà hoạch định chính sách chuyển trọng tâm từ giảm tiêu dùng sang thúc đẩy sản xuất.
Trong một diễn biến có liên quan, Ngân hàng Thế giới (WB) vào đầu tháng 6 đã giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu xuống 2,9%, thấp hơn 1% so với dự tính trước đó đưa ra vào đầu tháng 1.
Thêm vào đó, nhà kinh tế Indermit Gill cho biết, mối quan tâm lớn nhất là chính bởi vì suy thoái và đại dịch, “tiến trình giảm nghèo đã dừng lại”.
Tuy nhiên, nhà kinh tế này vẫn bày tỏ một số lạc quan. Trả lời phóng viên, ông Indermit Gill chia sẻ: “Đây không phải là một điều gì quá u ám và tiêu điều. Nhờ nỗ lực cải thiện các chính sách kinh tế và quản lý trước dịch, các quốc gia hiện có khả năng bảo vệ người nghèo tốt hơn. Tôi cảm thấy rằng chúng ta sẽ tìm ra hướng đi đúng đắn bởi thế giới hiện đã thay đổi và hiện có rất nhiều khả năng”.
Viễn cảnh xấu nhất được mô tả sẽ là sự suy thoái ở các nền kinh tế tiên tiến và suy giảm tăng trưởng mạnh mẽ ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.
Ngân hàng Thế giới (WB) thông tin, nền kinh tế toàn cầu hiện đang trong giai đoạn suy thoái mạnh nhất sau lần suy thoái kinh tế kể từ năm 1970. Trong hoàn cảnh đó, ngay cả một tác động vừa phải đối với nền kinh tế toàn cầu trong năm tới cũng đủ để đầy nền kinh tế vào suy thoái.
Đan Lê (Lược dịch từ CNA)