Một trạm xăng ở thủ đô London, Anh. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Trong báo cáo Triển vọng Thị trường Hàng hóa mới nhất, ngân hàng này dự báo giá dầu thô Brent trung bình sẽ ở mức 92 USD/thùng vào năm 2023, và sẽ giảm xuống còn 80 USD/thùng trong năm 2024; tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình trong 5 năm qua là 60 USD/thùng.
Theo nhận định của WB, đồng USD mạnh hơn và giá trị đồng tiền của hầu hết các nền kinh tế đang phát triển bị thu hẹp đã đẩy giá lương thực và nhiên liệu lên cao, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực vốn đã ảnh hưởng đến 200 triệu người trên toàn thế giới.
Ông Ayhan Kose, Trưởng Nhóm Dự báo tăng trưởng toàn cầu của WB, đơn vị thực hiện báo cáo nói trên cho biết: “Sự kết hợp của giá hàng hóa tăng cao và đồng tiền mất giá liên tục đã dẫn đến tình trạng lạm phát cao hơn tại nhiều quốc gia”. Bên cạnh đó, nhà kinh tế này cũng lưu ý, những thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển cần chuẩn bị sẵn sàng cho "một thời kỳ biến động thậm chí còn cao hơn trên các thị trường tài chính và hàng hóa toàn cầu".
Báo cáo của WB cho thấy, đồng tiền mất giá đồng nghĩa với việc gần 60% thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển chuyên nhập khẩu dầu mỏ đã chứng kiến sự gia tăng đối với giá dầu trong nước. Gần 90% các nền kinh tế này cũng chứng kiến mức tăng lớn hơn về giá lúa mì tính theo đồng nội tệ.
Trong 3 quý đầu năm 2022, lạm phát giá lương thực trung bình đã được ghi nhận ở mức hơn 20% tại khu vực Nam Á; trong khi tại các khu vực khác bao gồm Mỹ Latinh và Caribê, Trung Đông và Bắc Phi, châu Phi cận Sahara, Đông Âu và Trung Á, lạm phát giá lương thực trung bình ở mức từ 12 - 15%.
WB nói thêm, trong khi giá năng lượng đang “hạ nhiệt”, chúng vẫn sẽ cao hơn 75% so với mức trung bình trong 5 năm qua.
Thanh Ngân (Lược dịch từ Reuters)