|
Hoạt động mua sắm hàng hóa của người dân trong một siêu thị ở thành phố Hyderabad, Ấn Độ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Theo đó, bất chấp môi trường tăng trưởng chậm trên toàn cầu, cùng với những bất ổn kinh tế gia tăng và các nền kinh tế phân hóa, cổ phiếu và trái phiếu ở nhiều thị trường lớn vẫn tăng mạnh vào cuối năm 2023, trong bối cảnh các bên tham gia thị trường dự báo việc cắt giảm lãi suất sẽ diễn ra sớm hơn trong năm nay.
Tuy nhiên, lạm phát vẫn chưa quay trở lại mức có thể cho phép các ngân hàng trung ương tuyên bố rằng, nhiệm vụ của họ đã được hoàn thành. Mặc dù việc tăng lãi suất đã kết thúc ở hầu hết các nền kinh tế lớn, việc cắt giảm lãi suất khó có thể xảy ra ngay trong vài tháng tới; song, giữa năm 2024 trở đi sẽ là mốc thời gian thực tế hơn.
Châu Á nắm giữ gấp đôi tiềm năng
Khu vực châu Á có tiềm năng đáng kể đối với các nhà đầu tư dài hạn, nhờ tốc độ tăng trưởng thu nhập mạnh mẽ và rủi ro thấp hơn. Khu vực này được dự báo sẽ hoạt động tốt hơn Mỹ, một khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tạm dừng và bắt đầu cắt giảm lãi suất, nhờ tốc độ tăng trưởng chậm lại và lạm phát vừa phải.
Bên cạnh đó, châu Á cũng có khả năng phục hồi thu nhập tốt hơn; thu nhập cho năm 2024 được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ gấp đôi so với ở Mỹ.
Theo Giám đốc Điều hành hoạt động kinh doanh đầu tư của Abrdn, các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ và Nhật Bản dự kiến sẽ là những thị trường chính trong khu vực.
Tập trung vào thu nhập, tính bền vững và những cơ hội ở châu Á
“Cùng với châu Á, chúng tôi kỳ vọng các khoản đầu tư vào thu nhập cố định chất lượng cao và tính bền vững sẽ mang lại giá trị. Trong lĩnh vực thu nhập cố định, chúng tôi đang chú ý đến xu hướng xoay trục lãi suất sắp xảy ra và ưu tiên trái phiếu chất lượng cao, đặc biệt là khoản nợ do một số ngân hàng mạnh hơn trên thế giới phát hành, hơn là các lựa chọn thay thế mang tính rủi ro cao hơn. Chúng tôi cũng lạc quan về thời hạn, thông qua trái phiếu chính phủ toàn cầu, tín dụng và nợ bằng đồng nội tệ của các thị trường mới nổi”, ông Rene Buehlmann cho hay.
Về mặt đầu tư bền vững, các nhà đầu tư cần nhìn xa hơn mục tiêu khử carbon. Các vấn đề xã hội liên quan đến quá trình chuyển đổi khí hậu, tập trung nhiều hơn vào thiên nhiên và nhu cầu ngày càng tăng về các biện pháp thích ứng nhằm giải quyết những rủi ro vật chất liên quan đến khí hậu nhận được nhiều sự quan tâm hơn từ các cơ quan quản lý. Tác động của biến đổi khí hậu vẫn là mối quan tâm chính của các nhà đầu tư.
“Thế giới đang thay đổi và chúng ta cần tài trợ cho quá trình chuyển đổi. Đầu tư vào các công ty tham gia vào sự thay đổi này đóng vai trò rất quan trọng”, ông Rene Buehlmann lưu ý.
Về cơ hội ở châu Á, chúng tôi nhận thấy Ấn Độ và Nhật Bản là 2 điểm sáng. Trong đó, nền kinh tế Ấn Độ đang ở giai đoạn đầu của quá trình phục hồi theo chu kỳ, đưa quốc gia này trở thành một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất trên phạm vi toàn cầu. Được thúc đẩy bởi những cải cách đáng kể trong thập kỷ qua, thị trường trái phiếu Ấn Độ đã mang lại hiệu quả vượt trội đáng kể so với nhiều loại tài sản.
Triển vọng vẫn tươi sáng, và đây là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư tự định vị mình trên thị trường. “Chúng tôi có triển vọng lạc quan hơn nhiều cho năm 2024, khi chúng tôi kỳ vọng chu kỳ nới lỏng lãi suất sẽ khuyến khích các nhà đầu tư quay trở lại thị trường”, ông Rene Buehlmann nhận định.