Một bé gái đang được tiêm phòng vaccine MMR. Ảnh: Reuters/Tuoitre
Sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm nhất thế giới, với hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Ngay cả ở các nước có thu nhập cao, các biến chứng phải nhập viện có thể xảy ra ở khoảng ¼ số bệnh nhân mắc sởi và có thể dẫn đến tàn tật suốt đời do tổn thương não, hoặc mù lòa, mất thính giác.
Dữ liệu toàn cầu do WHO công bố cho thấy số trường hợp mắc sởi được báo cáo đã tăng 300% trong 3 tháng đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018. Điều này diễn ra liên tiếp trong 2 năm qua và là xu hướng đáng lo ngại trên toàn thế giới - đặc biệt là trong các nước ASEAN.
Năm ngoái, các ca tử vong do sởi đã gia tăng ở Myanmar, Philippines và Thái Lan, chủ yếu là ở trẻ nhỏ.
Căn bệnh này gần như hoàn toàn có thể phòng ngừa được thông qua 2 liều vaccine an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, độ bao phủ toàn cầu với liều vaccine sởi đầu tiên đã bị đình trệ ở mức 85%, thấp hơn 10% so với mức cần thiết để ngăn chặn dịch bệnh và khiến nhiều người trong nhiều cộng đồng gặp nguy hiểm. Độ bao phủ đối với liều vaccine thứ 2 cũng chỉ ở mức 67%.
Với sự hoành hành của đại dịch COVID-19 hiện nay, giới chức y tế cảnh báo rằng dịch sởi có thể lại xảy ra do một số chương trình tiêm chủng bị trì hoãn. Campuchia, Bangladesh, Somalia và Nepal nằm trong số 24 quốc gia đã quyết định tạm dừng các chiến dịch tiêm chủng trong nước do COVID-19.
Joanna Rea, người phát ngôn của UNICEF cho biết: "Sự gián đoạn đối với các hoạt động tiêm chủng cơ bản sẽ làm tăng nguy cơ trẻ em mắc các căn bệnh chết người, tạo thêm áp lực cho các dịch vụ y tế quốc gia và có nguy cơ xảy ra đại dịch thứ hai về các bệnh truyền nhiễm".
Theo một quan chức y tế hàng đầu của Malaysia, cần có độ bao phủ vaccine trên 95% để tạo ra miễn dịch cộng đồng cho bệnh sởi. Miễn dịch cộng đồng đề cập đến một hình thức miễn dịch xảy ra khi tiêm vaccine cho một số lượng lớn dân số, từ đó có thể bảo vệ cho những cá nhân không hoặc không thể được tiêm chủng. Điều này bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng các phong trào chống tiêm chủng hiện nay.
Không tin tưởng vào vaccine
Phần lớn các phong trào chống tiêm chủng khởi nguồn từ một bài báo năm 1998 được xuất bản trên tạp chí y khoa The Lancet do Tiến sĩ Andrew Wakefield dẫn đầu, đề xuất mối liên hệ giữa vaccine MMR (vaccine phòng 3 bệnh: sởi, quai bị, rubella) với bệnh tự kỷ. Tuy nhiên, bài báo chỉ có 8 đứa trẻ được chọn mẫu và cuối cùng đã được The Lancet rút lại. Vị bác sĩ này sau đó đã bị loại khỏi sổ đăng ký y tế vào năm 2010 do gian lận dữ liệu giả và kiếm lợi nhuận từ các luật sư tham gia vào các vụ kiện chống lại các công ty sản xuất vaccine.
Tuy nhiên, đối với một tín đồ của phong trào chống vaccine, việc từ chối tiêm vaccine cho con cái họ có thể dựa trên niềm tin tôn giáo và sức khỏe. Đối với một quốc gia có nhiều người theo đạo Hồi như Indonesia, việc vaccine MMR có một số thành phần có nguồn gốc từ lợn đã khiến tỷ lệ tiêm chủng giảm xuống mức trung bình chỉ 65%.
Tại Philippines, một loại vaccine sốt xuất huyết bị lỗi được phân phối trên toàn quốc đã làm tổn thương niềm tin của công chúng đối với vaccine, khiến tỷ lệ tiêm phòng sởi ở nước này dao động ở mức khoảng 55% vào năm 2018.
Edsel Salvana, một bác sĩ về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Philippines cho biết, số ca mắc bệnh sởi và các bệnh khác có thể phòng ngừa được bằng vaccine đang tăng lên.
Theo báo cáo, trong 3 năm qua, Philippines và Indonesia đã ghi nhận tỷ lệ mắc bệnh sởi cao thứ hai và thứ ba thế giới, chỉ sau Ấn Độ.
Để ngăn chặn sự hồi sinh của dịch sởi, thông tin dựa trên bằng chứng là rất cần thiết để tách thực tế khỏi những đồn đại về vaccine sởi. Sau khi vaccine sởi được công bố vào năm 1971, các ca tử vong do căn bệnh lây truyền cao này đã giảm từ hơn 2 triệu xuống còn khoảng 100.000 ca mỗi năm, cho thấy vaccine sởi đã phát huy hiệu quả đến mức nào.
TỐ QUYÊN (Lược dịch từ The ASEAN Post)