Dịch sởi vẫn đang tiếp tục lây lan trên toàn thế giới. Ảnh: CTV News
Trong 6 tháng đầu năm 2019, các trường hợp mắc sởi được báo cáo đã lên đến mức cao kỷ lục kể từ năm 2006, gây căng thẳng cho các hệ thống chăm sóc sức khỏe và dẫn đến các ca bệnh nặng, tàn tật và tử vong xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới. Số liệu cho thấy số trường hợp mắc sởi được báo cáo từ đầu năm đến nay đã cao gấp 3 lần cùng kỳ năm ngoái, và là sự gia tăng hàng năm liên tiếp kể từ năm 2016, cho thấy sự liên quan và tiếp tục gia tăng gánh nặng bệnh sởi nói chung trên toàn thế giới.
Cộng hòa Dân chủ Congo, Madagascar và Ukraine đã ghi nhận số người mắc sởi cao nhất trong năm nay. Tuy nhiên, các ca mắc bệnh đã giảm đáng kể ở Madagascar trong vài tháng qua do các chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi khẩn cấp trên toàn quốc. Điều này cho thấy việc tiêm vaccine có hiệu quả cao trong việc chấm dứt dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe con người. Hiện tại, dịch sởi nghiêm trọng đang diễn ra ở Angola, Cameroon, Chad, Kazakhstan, Nigeria, Philippines, Nam Sudan, Sudan và Thái Lan.
Các vụ bùng phát dịch lớn nhất diễn ra tại các quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng sởi thấp hiện tại hoặc trong quá khứ đã dẫn đến số lượng lớn người dân dễ mắc bệnh. Đồng thời, các vụ dịch kéo dài cũng đang xảy ra ngay cả ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao. Điều này dẫn đến sự bất bình đẳng trong phạm vi bao phủ của vaccine, khoảng cách và chênh lệch giữa các cộng đồng, khu vực địa lý và giữa các nhóm tuổi. Bệnh sởi có thể lây lan rất nhanh khi đủ những người không miễn dịch bị phơi nhiễm với bệnh sởi.
Mỹ đã báo cáo số ca mắc sởi cao nhất trong 25 năm qua. Tại khu vực châu Âu, đã có gần 90.000 trường hợp mắc sởi được báo cáo trong 6 tháng đầu năm nay, con số này vượt quá tổng số được ghi nhận trong cả năm 2018 (84.462 ca mắc sởi), và đạt mức cao nhất trong thập kỷ hiện tại.
Có nhiều lý do khác nhau đáng kể khiến người dân giữa các cộng đồng và các quốc gia không được tiêm chủng, đó là những khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoặc tiêm chủng chất lượng, xung đột và di dời, thông tin sai về vaccine hoặc nhận thức thấp về nhu cầu tiêm chủng. Ở một số quốc gia, bệnh sởi đang lan rộng ở trẻ lớn, thanh thiếu niên và người lớn đã không tiêm chủng trong quá khứ.
Bệnh sởi hầu như có thể phòng ngừa được với hai liều vaccine sởi, một loại vaccine an toàn và hiệu quả cao. Tỷ lệ bao phủ tiêm chủng cao - 95% trên toàn quốc và trong cộng đồng - là cần thiết để đảm bảo rằng bệnh sởi không thể lây lan.
Theo dữ liệu mới nhất của WHO và UNICEF công bố vào tháng 7/2019, 86% trẻ em đã được tiêm vaccine sởi mũi đầu tiên và 69% tiêm mũi thứ hai. Điều này có nghĩa là khoảng 20 triệu trẻ em năm 2018 đã không được tiêm vaccine sởi thông qua các chương trình tiêm chủng thông thường. Hơn nữa, 23 quốc gia vẫn chưa đưa liều vaccine sởi thứ hai vào lịch trình tiêm chủng quốc gia.
WHO đang kêu gọi mọi người đảm bảo việc tiêm phòng sởi với hai liều cần thiết để bảo vệ chống lại căn bệnh này và kiểm tra tình trạng tiêm chủng của mình trước khi đi du lịch.
BẢO NGHI (Lược dịch từ WHO)