Thế giới

Ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng

ClockThứ Ba, 22/03/2022 19:46
TTH.VN - Theo một báo cáo mới phân tích dữ liệu chất lượng không khí theo thời gian thực từ hàng chục nghìn trạm quan trắc, hàng trăm triệu người trên khắp thế giới đang hít thở nguồn không khí bẩn vượt xa các hướng dẫn về sức khỏe của WHO và biến đổi khí hậu đang làm cho tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng hơn.

Ấn Độ: Tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọngẤn Độ: Thủ đô đóng cửa trường học do không khí ô nhiễm nghiêm trọngSingapore: Chất lượng không khí thấp nhất trong 3 năm qua do cháy rừngUNEP: Hàng triệu người có nguy cơ tử vong sớm vào năm 2050

Ô nhiễm không khí ngày càng nghiêm trọng ở nhiều quốc gia. Ảnh minh hoạ: Getty Images

Các cảm biến đó đo nồng độ bụi mịn PM2.5, vật chất dạng hạt có kích thước 2,5 micromet được tìm thấy trong khí thải xe cộ, khí thải của các nhà máy điện, bão bụi sa mạc, khói từ các bếp nấu ăn và từ các đám cháy rừng... Các nhà khoa học đã cho thấy mối liên hệ giữa việc phơi nhiễm PM2.5 với các bệnh tim, phổi và 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm.

Vào tháng 9 năm ngoái, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban hành một hướng dẫn mới, trong đó khuyến cáo nồng độ bụi mịn trong không khí PM2.5 trung bình hàng năm không được vượt quá 5 microgam/mét khối. Thậm chí, WHO nhấn mạnh rằng ngay cả ở nồng độ này cũng gây ra những rủi ro sức khỏe đáng kể.

Với tiêu chuẩn này của WHO, không một quốc gia nào đáp ứng được mức chuẩn chất lượng không khí trong năm 2021, theo Báo cáo Chất lượng Không khí Thế giới năm 2021 của công ty giám sát chất lượng không khí IQAir (Thụy Sĩ) vừa công bố hôm nay (22/3).

Dữ liệu ô nhiễm được ghi nhận từ các trạm giám sát không khí của chính phủ và của các tổ chức và cá nhân vận hành tại 6.475 thành phố ở 117 quốc gia cho thấy, khói bụi thậm chí còn gia tăng trở lại ở một số khu vực mà trước đó từng ghi nhận mức giảm trong thời gian bùng phát đại dịch COVID-19.

Theo IQAir, trong năm 2021 chỉ có 222 trên tổng số 6.475 thành phố được khảo sát (tương đương tỷ lệ 3,4%) đáp ứng tiêu chuẩn của WHO, trong khi có tới 93 thành phố có mức PM2.5 cao gấp 10 lần mức khuyến nghị.

Susan Anenberg, phó giáo sư tại Đại học George Washington, người nghiên cứu mối liên hệ giữa tác động sức khỏe của ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu thừa nhận rằng “sẽ rất khó để đạt được mức khuyến nghị của WHO”.

Trong khi đó, Giám đốc khoa học về chất lượng không khí của IQAir Christi Schroeder cho biết: “Trong khi có rất nhiều quốc gia đang đạt được những bước tiến lớn trong việc giảm lượng khí thải, thì cũng có những nơi trên thế giới đang trở nên tồi tệ hơn nhiều”.

Dữ liệu cho thấy mức độ ô nhiễm tổng thể của Ấn Độ đã trở nên tồi tệ hơn vào năm 2021 và New Delhi vẫn là thủ đô ô nhiễm nhất thế giới. Trong khi đó, với nồng độ PM2.5 là 76,9 microgam/mét khối, Bangladesh vẫn là quốc gia ô nhiễm nhất hành tinh, không thay đổi so với năm trước đó. Báo cáo cũng nêu rõ Trung và Nam Á có chất lượng không khí tồi tệ nhất thế giới và là nơi có đến 46 trong số 50 thành phố ô nhiễm nhất toàn cầu.

Không khí sạch nhất được tìm thấy ở đảo quốc New Caledonia ở Nam Thái Bình Dương (có nồng độ PM2.5 chỉ 3,8 microgam/mét khối), và Phần Lan có nồng độ PM2,5 thấp nhất trong số các quốc gia phát triển (5,5 microgam/mét khối).

Bà Glory Dolphin Hammes, Giám đốc điều hành của IQAir Bắc Mỹ, nói rằng báo cáo cũng cho thấy sự chênh lệch lớn về tính sẵn có của dữ liệu chất lượng không khí, khi chỉ rất ít trạm giám sát được tìm thấy ở châu Phi, Trung Mỹ và Mỹ Latinh. “Quốc gia ô nhiễm thứ 2 trên thế giới trong năm 2021 là Chad, và năm trước đó, dữ liệu này thậm chí còn không có sẵn… Điều đó chỉ ra rằng chúng ta chắc chắn phải làm nhiều hơn nữa trong vấn đề thiếu hụt thông tin về chất lượng không khí ở những khu vực ít được đại diện nhưng dường như có mức độ ô nhiễm không khí cao”.

Bên cạnh đó, Phó giáo sư Anenberg cho rằng “biến đổi khí hậu đang khiến việc đạt được các tiêu chuẩn PM2.5 hiện tại của chúng ta ngày càng khó khăn hơn… Theo thời gian, biến đổi khí hậu đang góp phần gây ra cháy rừng nghiêm trọng hơn, nhiều khói hơn, cũng như dẫn tới tình trạng khô cằn hơn ở một số địa điểm, kéo theo bụi trong không khí”.

Tuy vậy, các nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính bằng cách thay thế các phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch và các nhà máy điện sẽ có thể góp phần cải thiện chất lượng không khí. Đề cập đến Việt Nam, báo cáo nêu rõ rằng trong năm 2021, với nồng độ PM2.5 là 24,7 microgam/mét khối, nước này đang nỗ lực xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng mặt trời lớn nhất Đông Nam Á và đang khai thác năng lượng gió ngoài khơi.

Báo cáo của IQAir cũng cho thấy chất lượng không khí ở Trung Quốc đã được cải thiện trong năm ngoái. Với chỉ số PM2.5 trung bình ở mức 32,6 microgam/mét khối, Trung Quốc chỉ còn ở vị trí thứ 22 trong bảng xếp hạng PM2.5 năm 2021, từ vị trí thứ 14 của một năm trước đó. Được biết, từ năm 2014, quốc gia này đã triển khai các biện pháp nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí.

Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & Bloomberg)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức

Từ ngày 26 - 29/11, các đoàn đại biểu từ hơn 110 quốc gia đang tập trung ở Thủ đô Bangkok, Thái Lan để đưa ra các lộ trình quốc gia và đàm phán một tuyên bố chung về sức khỏe răng miệng tại Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu đầu tiên, do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức.

Hội nghị Sức khỏe răng miệng toàn cầu lần đầu tiên được tổ chức
COP29: WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu

Ngay trước thềm Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lên tiếng kêu gọi chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, đồng thời ủng hộ sự thích ứng và phục hồi lấy con người làm trung tâm.

COP29 

WHO yêu cầu đưa vấn đề sức khỏe vào các cuộc đàm phán về khí hậu
Return to top