Phần Lan xếp hạng đầu tiên trong bảng xếp hạng các nước hạnh phúc nhất thế giới năm 2021. Ảnh minh họa: AFP/Báo Lao động
Theo đó, các chuyên gia đã yêu cầu người dân ở 149 quốc gia đánh giá mức độ hạnh phúc của chính họ, đồng thời xem xét đến các chỉ số như GDP, hỗ trợ xã hội, tự do cá nhân và mức độ tham nhũng của mỗi quốc gia. Chỉ số hạnh phúc là điểm trung bình của 3 năm qua.
Một lần nữa, các thứ hạng đầu tiên đều dành cho các quốc gia châu Âu, với Đan Mạch xếp vị thứ 2 sau Phần Lan, theo sau đó là Thụy Sĩ, Iceland và Hà Lan.
New Zealand tụt một bậc xuống vị thứ 9 nhưng lại là quốc gia duy nhất không thuộc châu Âu lọt vào top 10 các quốc gia hạnh phúc nhất trên thế giới.
Các nước khác như Đức cũng tăng từ vị thứ 17 lên 13 và Pháp cũng tăng 2 bậc lên vị thứ 21.
Trong khi đó, Anh lại giảm từ vị thứ 13 xuống vị thứ 17 và Mỹ cũng giảm 1 bậc xuống vị thứ 19.
Các quốc gia châu Phi như Lesotho, Botswana, Rwanda và Zimbabwe xếp cuối bảng, nhưng vẫn trên Afganistan – đất nước được đánh giá là không hạnh phúc nhất thế giới.
Các tác giả cũng so sánh dữ liệu của năm nay với mức trung bình của các năm trước để đánh giác tác động của đại dịch và nhận thấy “tần suất xuất hiện cảm xúc tiêu cực cao hơn đáng kể” ở 1/3 số quốc gia tham gia khảo sát.
Cùng lúc đó, cảm xúc tích cực lại gia tăng ở 22 quốc gia và đáng ngạc nhiên là về trung bình, người dân ở các nước này cảm thấy không có sự suy giảm về mức độ hạnh phúc khi họ tự đánh giá về chính cuộc sống của họ.
“Giải thích cho vấn đề này có thể được xem xét là do mọi người coi COVID-19 là một mối đe dọa chung từ bên ngoài, ảnh hưởng đến tất cả mọi người nên điều này đã tạo ra tinh thần đoàn kết và tình đồng bào lớn hơn”, John Helliwell – một trong những người biên soạn báo cáo chia sẻ.
Được biết, Phần Lan là quốc gia trong suốt thời gian xảy ra khủng hoảng đã báo cáo tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 thấp nhất châu Âu. Quốc gia này được xếp hạng rất cao về sự tin tưởng lẫn nhau, giúp bảo vệ cuộc sống và sinh kế của họ. Người Phần Lan được hưởng chất lượng cuộc sống cao, cộng thêm an ninh và các dịch vụ công cộng tốt, tỷ lệ bất bình đẳng và đói nghèo thuộc hàng thấp nhất trong tất cả các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Cũng trong dòng tin tức liên quan đến COVID-19, một nửa dân số người trưởng thành ở Anh hiện đã tiêm ít nhất 1 liều vaccine COVID-19, đưa quốc gia này trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới đạt được cột mốc này, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock ngày 20/3 cho biết.
Đây là kết quả đạt được khi Anh thực hiện kỷ lục 660.276 lượt tiêm chủng cho người dân trong 1 ngày trước đó. Thủ tướng Boris Johnson – người vừa tiêm chủng vaccine AstraZeneca vào ngày 19/3 đã viết trên trang Twitter rằng: “Hãy tiếp tục”.
Chính phủ Anh cũng cho biết thêm, họ đặt mục tiêu tiêm ít nhất 1 mũi cho tất cả mọi người trên 50 tuổi vào giữa tháng 4 và cho mọi người trường thành vào cuối tháng 7. Trong khoảng thời gian đó, đất nước cũng có kế hoạch giảm bớt các hạn chế về phong tỏa, với các hàng quán, quán rượu và nhà hàng dự kiến sẽ bắt đầu mở cửa trở lại vào tháng tới.
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock nhận định: “Vaccine là một câu chuyện thành công của quốc gia và cũng là con đường để chúng ta thoát khỏi đại dịch này”.
Để so sánh, ở Mỹ, hơn 20% dân số nước này đã được tiêm chủng ít nhất 1 liều vaccine COVID-19 và chưa đến 1/10 dân số châu Âu đã nhận được điều tương tự để chống lại đại dịch.
Đan Lê (Lược dịch từ The Business Times & CNA)