Thế giới

SYRIA - Cuộc đối đầu mới của các cường quốc

ClockThứ Năm, 17/09/2015 07:17
TTH - Những ngày gần đây, cuộc xung đột ở Syria đang “nóng” trở lại sau 4 năm bị “quên lãng”. Nhất là sau khi xuất hiện nhiều tiếng nói cho rằng, giải quyết xung đột chính trị Syria chính là chìa khóa để giải quyết tận gốc cuộc khủng hoảng người tị nạn. Tuy nhiên, đây không chỉ đơn thuần là một cuộc nội chiến mà còn là những mâu thuẫn về lợi ích chiến lược và kinh tế, cũng như tham vọng của các quốc gia đang tìm cách tạo thế tương quan lực lượng tại đấu trường mới – Syria.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov. Ảnh: Dailymail

Cuộc chiến ở Syria do phe đối lập phát động từ đầu năm 2011 với mục đích chống lại chế độ cầm quyền của Tổng thống Bash al-Assad. Sau hơn 4 năm, cuộc xung đột cướp đi sinh mạng của gần 250.000 người vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, thậm chí còn hình thành nên một cuộc chiến khác trên mặt trận ngoại giao. Cuộc chiến giành giật lợi ích chiến lược và kinh tế do các cường quốc dẫn đầu.

Lực lượng nào đang có mặt tại đấu trường Syria?

Xuất hiện đầu tiên trên đấu trường chiến lược này là cuộc đối đầu gián tiếp giữa hai nước lớn trong khu vực là Iran và Ả Rập Saudi. Trong đó, Iran hỗ trợ người Hồi giáo theo dòng Shi’ite (đồng minh của Syria) và Ả Rập Saudi hỗ trợ người Hồi giáo dòng Sunni (lực lượng ủng hộ phe nổi dậy ở Syria).

Trên thực tế, Ả Rập Saudi muốn lấy lại vai trò lãnh đạo thế giới Hồi giáo; còn Iran, quốc gia phải chịu đựng các biện pháp trừng phạt của phương Tây suốt 30 năm qua, muốn trở thành một nước mới nổi với tham vọng củng cố vị thế trong khu vực.

Cũng trên đấu trường này, Mỹ và các đồng minh phương Tây là lực lượng đang chạm trán với Nga. Trong khi Mỹ huấn luyện cho quân nổi dậy tại Syria thì Nga không ngừng tăng cường viện trợ cho Chính phủ Tổng thống Al-Assad.

Cụ thể, ngày 5/9, Mỹ yêu cầu các nước đồng minh trong đó có Hy Lạp, Bulgaria, Ukraine cấm các chuyến bay tiếp vận của Nga sử dụng không phận ở các nước này. Cùng ngày, trong một cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ quan ngại về những thông tin cho biết, Nga đang tăng cường lực lượng quân sự tại Syria.

Theo tờ CNN ngày 9/9, ông Kerry điện đàm lần thứ hai với ông Lavrov để phản ánh thông tin Nga tăng cường hiện diện quân sự, cũng như gia tăng hỗ trợ khí tài hạng nặng cho Chính phủ Syria. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga ngay lập tức khẳng định sự hiện diện của các “chuyên gia quân sự” của Nga ở Syria là hoàn toàn phù hợp với thỏa thuận hợp tác “quân sự - kỹ thuật của nước này với Syria”.

Tiếp đó, Bộ Ngoại giao Nga lên tiếng chỉ trích việc phương Tây đang có những phản ứng quá gay gắt về động thái hỗ trợ quân sự của Nga tại Syria. Đồng thời, Moscow cũng phản bác rằng Mỹ và phương Tây thiếu nỗ lực trong việc tìm kiếm giải pháp chấm dứt nội chiến, mang lại hòa bình cho Syria.

Lý giải động thái của Nga ở Syria

Vì sao Nga tăng cường hỗ trợ quân sự cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad vào đúng thời điểm này? Liệu đây có phải là một trong những nỗ lực nhằm củng cố vị thế của Moscow tại các quốc gia Trung Đông?

Theo các nhà phân tích, Nga đang tận dụng sự dè dặt của Mỹ để tăng cường sự hiện diện quân sự trong cuộc nội chiến Syria. Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có những chính sách hạn chế trong việc can thiệp sâu hơn vào cuộc xung đột Syria, cũng như giới hạn sự tham gia vào các cuộc không kích chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Một lý do khác là, quan hệ Nga - Syria đang “nóng lên”. Nhà phân tích người Nga Nikolay Kozhanov cho biết, “Nga tin rằng chỉ có Tổng thống Assad mới có thể đảm bảo sự tồn tại của Syria trên cương vị nhà nước. Việc gia tăng viện trợ quân sự là một trong những biện pháp nhằm đảm bảo sự tồn tại của chế độ Assad”. Động thái gây tranh cãi của Nga xuất hiện trong bối cảnh Quân đội Syria đang có dấu hiệu kiệt sức sau 4 năm chiến tranh, đồng thời hứng chịu một loạt những thất bại trong năm nay, khi mất đi nhiều vùng lãnh thổ ở phía bắc, phía đông và phía nam.

Bên cạnh đó, một số nhà phân tích cho rằng, Nga trở lại Syria còn nhằm mục đích thoát khỏi tình trạng cô lập do các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Ông John Herbst, Giám đốc Trung tâm Âu - Á của Hội đồng Đại Tây Dương nhận định, “những hành động của Nga ở Syria nhằm gia tăng hoạt động mua bán vũ khí trên khắp vùng Trung Đông, kể cả với các nước đồng minh của Mỹ như Ai Cập, Ả Rập Saudi và Iraq. Điều này có tác động lớn đến quyền lợi và sức ảnh hưởng của Mỹ, cũng như các nước phương Tây”.

Như vậy, lợi ích kinh tế của Nga trong khu vực này là rất lớn. Hơn nữa, Nga đặc biệt quan tâm đến Syria nhằm khẳng định vị thế nước lớn của mình và tránh để mất đi những ảnh hưởng trước đây tại Trung Đông. Có thể nói, Syria đang giúp Nga nắm lấy cơ hội chống lại ảnh hưởng của phương Tây ở Trung Đông.

Theo một giải thích khác trên báo New York Times, “khi mở rộng ảnh hưởng quân sự tại Syria, Nga có khả năng nâng tầm vị thế để xây dựng một thỏa thuận tương lai và khuyến khích đồng minh chia sẻ quyền lực”.

Nỗ lực chung vì lợi ích quốc tế

Trong bối cảnh các căng thẳng, chỉ trích đang gia tăng về phía Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) ngày 15/9 lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế từ bỏ “tính tự tôn địa chính trị”, cũng như chính sách lợi dụng trực tiếp (hay gián tiếp) các nhóm khủng bố nhằm đạt được mục đích cá nhân, để cùng phối hợp đấu tranh chống khủng bố quốc tế.

Tổng thống Putin kêu gọi cộng đồng quốc tế cần có những nỗ lực chung trong bối cảnh các phần tử cực đoan IS đã tác động tư tưởng và huấn luyện chiến đấu cho các đối tượng ở nhiều nước bao gồm cả Nga và các nước châu Âu, cũng như tham vọng mở rộng quy mô hoạt động của chúng sang Nga, châu Âu, khu vực Trung và Đông Nam châu Á. 

Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh các nước khác cần phối hợp với Moscow trong vấn đề này, đồng thời khẳng định nếu không có sự tham gia tích cực của chính quyền và quân đội Syria thì sẽ không có cơ hội để đẩy các phần tử khủng bố ra khỏi khu vực nói trên.

Bên cạnh đó, tờ Reuters ngày 15/9 cho biết, Mỹ muốn Nga tham gia một cách “xây dựng hơn” với liên minh quốc tế đang chiến đấu chống IS tại Syria, thay vì tăng cường sự hiện diện quân sự ở quốc gia Trung Đông này.

Trong một động thái liên quan, Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 15/9 khẳng định, Đức và cường quốc phương Tây cần phối hợp với Nga và Mỹ để giải quyết cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Syria.

LÊ THẢO (Tổng hợp và lược dịch từ Reuters, Nytimes & CNN)
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

WHO: Lạm dụng kháng sinh diễn ra tràn lan ở các bệnh nhân COVID-19

​Bằng chứng mới từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy việc lạm dụng kháng sinh đã diễn ra rộng rãi trong giai đoạn đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới, điều này có thể làm trầm trọng thêm sự lây lan “thầm lặng” của tình trạng kháng kháng sinh (AMR).

WHO Lạm dụng kháng sinh diễn ra tràn lan ở các bệnh nhân COVID-19
UNESCO nhấn mạnh tác hại của truyền thông xã hội đối với bé gái

Theo báo cáo Giám sát Toàn cầu về Giáo dục (GEM) mới nhất vừa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) công bố, các công nghệ kỹ thuật số và phần mềm dựa trên thuật toán - đặc biệt là phương tiện truyền thông xã hội - khiến các bé gái có nguy cơ cao bị xâm phạm quyền riêng tư, bắt nạt trên mạng và mất tập trung trong việc học tập.

UNESCO nhấn mạnh tác hại của truyền thông xã hội đối với bé gái
Chuyên gia thời tiết Nam Mỹ dự báo tần suất La Nina và El Nino gia tăng

Hiện tượng khí hậu được gọi là El Nino và La Nina, mang theo những đợt nắng nóng, lạnh, mưa hoặc hạn hán, sẽ xảy ra thường xuyên hơn và cực đoan hơn trong những năm tới, sau khi Nam Mỹ hứng chịu đợt El Nino dữ dội nhất trong nhiều thập kỷ, các chuyên gia thời tiết cho biết.

Chuyên gia thời tiết Nam Mỹ dự báo tần suất La Nina và El Nino gia tăng
Return to top