Ảnh minh hoạ. Nguồn: SHUTTERSTOCK
Đáng chú ý, ông S.K. Wangnoo, bác sĩ nội tiết tại Bệnh viện Indraprastha Apollo, Ấn Độ nói với tờ IANS rằng: "Cả hai giới tính đều có nguy cơ vô sinh như nhau".
Được biết, vô sinh ảnh hưởng lên đến 15% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản trên toàn thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ vô sinh nguyên phát ở Ấn Độ ở mức từ 3,9-16,8%.
"Bệnh tiểu đường ở nam giới làm tổn thương DNA của tinh trùng và dẫn đến số lượng tinh trùng sụt giảm, đồng thời làm giảm khả năng vận động của tinh trùng dẫn đến vô sinh. Mặc dù bệnh tiểu đường không nhất thiết khiến nam giới vô sinh, nhưng nó có thể làm cho họ giảm khả năng sinh sản", ông Roopak Wadhwa, chuyên gia tư vấn tại Bệnh viện Fortis, New Delhi, Ấn Độ nhận định.
Mặt khác, bệnh tiểu đường ở nữ giới có liên quan đến hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) và các bệnh tự miễn khác, có thể dẫn đến vô sinh.
“Do đó, khả năng sảy thai ở nữ giới mắc bệnh tiểu đường tăng từ 30-60%", ông Roopak Wadhwa giải thích thêm.
Một báo cáo khác của WHO tuyên bố, Ấn Độ có 69,2 triệu người mắc bệnh tiểu đường vào năm 2015. Đến năm 2030, gần 98 triệu người ở Ấn Độ có thể mắc bệnh tiểu đường loại 2, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet Diabetes and Endocrinology hồi năm ngoái.
Bệnh tiểu đường có thể gây rủi ro cho cả mẹ và con. Các chuyên gia khuyên rằng, duy trì một lối sống tốt, trọng lượng cơ thể lý tưởng, giữ lượng đường trong phạm vi mục tiêu, tránh hút thuốc và rượu, cũng như căng thẳng quá mức liên quan đến công việc là một số biện pháp phòng ngừa.
Bên cạnh vô sinh, bệnh tiểu đường cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và phổi, viêm khớp, loãng xương. Ước tính 3,4 triệu ca tử vong là do lượng đường trong máu cao, theo WHO.
Ngoài ra, cơ quan y tế toàn cầu cũng ước tính, 80% trường hợp tử vong do bệnh tiểu đường xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đồng thời dự báo những trường hợp tử vong như vậy sẽ tăng gấp đôi trong giai đoạn 2016-2030.
Thanh Ngân (Lược dịch từ Devdiscourse)