Châu Á-Thái Bình Dương được xem là một trong những khu vực phát triển năng động nhất thế giới. Ảnh: TAS
Phát triển ổn định
Mới đây, trong một cuộc họp báo bên lề Hội nghị mùa Xuân của Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ông Changyong Rhee - Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IMF nhận định rằng, nền kinh tế châu Á vẫn đang phát triển tương đối ổn định, với dự báo sẽ tăng trưởng 5,4% trong cả năm 2019 và 2020. Với tốc độ đó, châu Á chiếm hơn 60% mức tăng trưởng toàn cầu. Đây được coi là một “điểm sáng” trong bối cảnh thị trường toàn cầu nhiều biến động như hiện nay.
Ngoài ra, triển vọng hoàn tất đàm phán về Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giữa ASEAN và 6 quốc gia đối tác gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc trong năm nay sẽ thúc đẩy tăng trưởng của khu vực và có thể bù đắp cho những tác động từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
Châu Á- Thái Bình Dương cũng đang dịch chuyển dần sang nền kinh tế dịch vụ, với nhiều nước mới nổi và đang phát triển ở khu vực nằm trong danh sách các nền kinh tế tăng trưởng mạnh nhất toàn cầu, trong đó đáng chú ý là Trung Quốc, Ấn Độ - những quốc gia đông dân nhất thế giới, và có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất toàn cầu. Những thị trường tăng trưởng mới này chính là động lực cho các xu hướng lớn nhất trong công nghệ, tài chính và thương mại.
Đi cùng với sự tăng trưởng đó là sự xuất hiện của các công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy (Machine Learning) - cả hai đều hứa hẹn sẽ mang lại sự phát triển lớn hơn nữa. Tuy nhiên, trong khi các công nghệ mới này có thể đang chiếm ưu thế thì việc xây dựng và duy trì các nền tảng cơ sở hạ tầng và CNTT an toàn để nâng cao năng suất và tăng trưởng kinh doanh nói chung cũng không được bỏ qua.
Với những hứa hẹn mà công nghệ nắm giữ, nhiều người tin rằng các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) đang khao khát phát triển thị phần, sẽ có thể tận dụng cơ hội này để phát huy tiềm năng của mình.
DNVVN cần bắt kịp xu thế
Không nằm ngoài dòng chảy phát triển của khu vực, nhiều DNVVN đang rất nỗ lực nhưng vẫn tồn tại khoảng cách trong một số DNVVN không số hóa đủ nhanh. Theo Chỉ số phát triển kỹ thuật số của DNVVN khu vực châu Á - Thái Bình Dương do Cisco công bố, 43% DNVVN trong khu vực nhận ra rằng sự cạnh tranh đang thay đổi và họ phải theo kịp xu thế chung.
Tuy nhiên thực tế, kỹ thuật số hóa vẫn là một thách thức đối với hầu hết doanh nghiệp. Theo Cisco, 39% DNVVN trên toàn khu vực châu Á- Thái Bình Dương đang ở trong giai đoạn “thờ ơ với kỹ thuật số” - hình thức phát triển kỹ thuật số thấp nhất, và không có chiến lược kỹ thuật số. Mặc dù có nhiều mức độ phát triển kỹ thuật số khác nhau như vậy, nhưng nhiều nhà kinh tế cho rằng các DNVVN có thể bình đẳng bước vào sân chơi chung của khu vực nếu tận dụng đúng các lợi thế cạnh tranh dưới đây:
- Thu hút nhân tài: Được đánh giá là một trong những khu vực phát triển năng động nhất thế giới, châu Á-Thái Bình Dương ngày càng hấp dẫn giới đầu tư toàn cầu, từ đó trở thành một thị trường tuyển dụng đầy cạnh tranh. Khi mọi doanh nghiệp đều chạy đua vì các kỹ năng kỹ thuật số giống nhau, các DNVVN không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của văn hóa công ty và thương hiệu nhà tuyển dụng, cũng như lợi thế của các hoạt động làm việc linh hoạt trong việc thu hút nhân tài. Do đó, xây dựng một nền văn hóa hấp dẫn và thúc đẩy sự đa dạng sẽ mở ra cơ hội tuyển dụng và thu hút các tài năng, hỗ trợ cho các mục tiêu tăng trưởng của công ty.
- Sức mạnh của dữ liệu và phân tích: Các giải pháp đám mây và phân tích phải được tích hợp vào chiến lược kỹ thuật số của doanh nghiệp vì sự nhanh nhẹn, đơn giản và hiệu quả được xem là lợi thế cạnh tranh trong thế giới phức tạp này.
- Đầu tư chiến lược: Các DNVVN cần một chiến lược và lộ trình chuyển đổi kỹ thuật số được định hướng rõ ràng. Họ cần sử dụng chúng như một “kim chỉ nam” để đưa ra các quyết định đầu tư công nghệ chiến lược, những khoản đầu tư giúp họ giải quyết các thách thức chính và tận dụng các cơ hội tăng trưởng cụ thể.
Rõ ràng, chiến lược kinh doanh, quản trị, thu hút nhân tài và áp dụng công nghệ là các thông số của số hóa mà các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phải xem xét và theo kịp, trong bối cảnh thị trường luôn thay đổi. Số hóa không còn là một chiến lược hướng tới tương lai, đó là một thực tế cho các doanh nghiệp để phát triển các mô hình kinh doanh và hoạt động của mình khi trung tâm kinh tế thế giới đang chuyển dần sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
TỐ QUYÊN
(Tổng hợp và lược dịch từ Thecisconetwork & IMF, Business Insider)