ClockThứ Ba, 22/05/2018 14:16

Châu Âu trả lời Mỹ: “Không thể thay thế thỏa thuận hạt nhân Iran”

Đây là câu trả lời rõ ràng nhất của EU cho phát biểu trước đó của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, với những điều kiện ngặt nghèo cho thỏa thuận mới.

EU, Iran nhất trí xây dựng trung tâm an toàn hạt nhânIran tiến gần hơn đến vị trí nước sản xuất dầu lớn thứ hai OPECIran tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với CubaIran-Iraq hướng tới việc thống nhất nhằm chống lại các mối đe dọa chungIran dỡ bỏ lệnh cấm du lịch đến Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 21/5, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách An ninh và Đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini tuyên bố: “Không có giải pháp thay thế nào cho thỏa thuận hạt nhân ký với Iran năm 2015”. Đây được xem là câu trả lời rõ ràng nhất của EU cho phát biểu trước đó cùng ngày của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, trong đó đưa ra những điều kiện “ngặt nghèo” để đạt được một thỏa thuận mới với Iran.

“Không thể thay thế thỏa thuận hạt nhân Iran”-Châu Âu trả lời Mỹ. Ảnh: AFP/Getty Images
Trong một thông cáo, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách An ninh và Đối ngoại Liên minh châu Âu Mogherini tuyên bố, phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo không thể chứng minh được quyết định của nước này rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), tên gọi chính thức của thỏa thuận hạt nhân Iran, đã và sẽ làm cho khu vực trở nên an toàn hơn trước mối đe dọa của phổ biến vũ khí hạt nhân hay tạo ra một vị trí tốt hơn để có thể gây ảnh hưởng tới hành vi của Iran trong những lĩnh vực nằm ngoài Kế hoạch hành động chung toàn diện.

Theo bà Mogherini, không có giải pháp thay thế nào cho Kế hoạch hành đông chung toàn diện. Liên minh châu Âu đang và sẽ tiếp tục ủng hộ việc thực thi đầy đủ và hiệu quả thỏa thuận chừng nào Iran vẫn tôn trọng mọi cam kết hạt nhân của mình như nước này vẫn làm tới nay.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công bố “chiến lược mới” của Mỹ sau quyết định gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng đưa ra một bản danh sách gồm 12 điều kiện nhằm đạt được một thỏa thuận mới với Iran, trong đó đặt ra những yêu cầu ngặt nghèo hơn về hạt nhân, chấm dứt chương trình tên lửa đạn đạo và sự can dự của Iran vào các cuộc xung đột tại Trung Đông.

Và tất nhiên, đi kèm với những điều kiện này không thể thiếu những đe dọa trừng phạt. Ông Pompeo không chỉ cảnh báo sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt hà khắc nhất trong lịch sử chống Iran, mà còn  cảnh báo các nước châu Âu, cũng như những doanh nghiệp làm ăn với Iran trong các lĩnh vực chịu trừng phạt của Mỹ “sẽ phải lãnh trách nhiệm”:

“Chúng tôi để ngỏ cho mọi bước đi mới không chỉ với các đồng minh, các đối tác của chúng tôi mà với cả Iran. Tuy nhiên, điều đó chỉ được thực hiện khi Iran sẵn sàng có sự thay đổi lớn. Như Tổng thống Donald Trump tuyên bố cách đây 2 tuần, ông sẵn sàng và có thể đàm phán về một thỏa thuận mới. Tuy nhiên, thoả thuận chưa phải là mục tiêu mà mục đích chính phải là bảo vệ người dân Mỹ. Mọi thỏa thuận sẽ phải đảm bảo Iran không bao giờ được sở hữu vũ khí hạt nhân và sẽ ngăn cản những hành vi xấu của chính quyền Iran mà thỏa thuận hạt nhân hiện tại chưa thể làm được”, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.

Theo bà Suzane Maloney, Phó Giám đốc Viện Brooking, phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ dường như cho thấy, chính quyền Tổng thống Trump đã thông qua một chiến lược nhằm thay đổi chính quyền tại Iran, một chiến lược dự báo sẽ khiến Mỹ xa lánh các đồng minh của mình hơn. Trong khi đó, chuyên gia chính trị Ghaleb Kandil của Lebanon nhấn mạnh, những yêu cầu của Mỹ không phải là mới và trên thực tế đã được thử nghiệm trong những giai đoạn trước khi thỏa thuận hạt nhân được ký kết, song đều không thể mang lại tác dụng, dù khi đó chính quyền Iran đang ở trong tình huống nhạy cảm và khó khăn hơn hiện nay rất nhiều.

Phát biểu tại cuộc họp Ngoại trưởng Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Buenos Aires, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas đã chia sẻ quan điểm với Đại diện cấp cao phụ trách chính sách An ninh và Đối ngoại Liên minh châu Âu rằng, vào thời điểm  hiện nay, không có lựa chọn thay thế nào tốt hơn. Và nếu không có thỏa thuận này, thế giới sẽ đối mặt với nguy cơ Iran nối lại chương trình hạt nhân, mở đầu cho một cuộc chạy đua hạt nhân nguy hiểm tại khu vực:

“Chúng tôi đã nghe lập trường của nước Mỹ trong vấn đề Iran. Song tôi muốn nói rằng, bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ phần nhiều nhắc lại những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump và vì thế chúng tôi hoàn toàn không bất ngờ. Ngày 23/5 tới, tôi sẽ lên đường sang Washington và gặp Ngoại trưởng Mike Pompeo để thảo luận kỹ hơn về vấn đề này”, ông Heiko Maas nói.

Trong một bước đi được xem là nhằm tạo một mặt trận chung với Iran chống lại sức ép từ phía Mỹ, Ủy ban châu Âu hồi cuối tuần qua đã chính thức khởi động tiến trình kích hoạt “điều luật phong tỏa” nhằm hạn chế tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với những doanh nghiệp châu Âu muốn đầu tư tại Iran.

Liên minh châu Âu cũng không quên nhắc nhở người đứng đầu nước Mỹ rằng, thỏa thuận này thuộc về cộng đồng quốc tế, đã được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhất trí thông qua. Và hơn hết, đây không phải “một chiếc chìa khóa vạn năng”, được tạo ra để giải quyết mọi vấn đề liên quan tới Iran. Cộng đồng quốc tế chờ đợi tất cả các bên tôn trọng những lời hứa đã đưa ra cách đây 2 năm.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ

Một nghiên cứu mới của chính phủ Mỹ ước tính hóa chất vĩnh cửu (PFAS) có thể làm ô nhiễm nguồn nước của tới 70% trong số khoảng 140 triệu người ở Mỹ lấy nước từ các tầng chứa nước ngầm của quốc gia, thông qua các giếng tư nhân hoặc công cộng, gây ra những tác động tiềm tàng đối với khoảng 95 triệu người, tương đương với 27% dân số nước Mỹ.

Hóa chất vĩnh cửu - nguy cơ ô nhiễm nguồn nước của 95 triệu người ở Mỹ
Return to top