Đại diện của 11 quốc gia thành viên tham gia CPTPP trong một cuộc họp vào tháng 3/218. Ảnh: Reuters
Thỏa thuận này vừa đạt bước tiến quan trọng sau khi Australia thông báo với New Zealand rằng nước này đã trở thành quốc gia thứ 6 chính thức phê chuẩn thỏa thuận, cùng với Canada, Nhật Bản, Mexico và Singapore.
"Điều này dẫn đến việc đếm ngược 60 ngày để Hiệp định có hiệu lực của và tiến hành vòng đầu tiên của việc cắt giảm thuế quan", Bộ trưởng Bộ Thương mại và Xuất khẩu New Zealand David Parker cho biết. New Zealand chịu trách nhiệm cho các nhiệm vụ chính thức như nhận và lưu hành thông báo từ các thành viên của thoả thuận.
Hiệp định thương mại này ban đầu có 12 thành viên, nhưng sau đó rơi vào tình trạng lấp lửng hồi đầu năm ngoái khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận để ưu tiên bảo vệ việc làm của Mỹ.
11 quốc gia còn lại, dẫn đầu bởi Nhật Bản, đã hoàn thành một hiệp định thương mại sửa đổi vào tháng Giêng năm nay, được gọi là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo quy định, CPTPP sẽ có hiệu lực 60 ngày sau khi bất kỳ 6 quốc gia thành viên nào phê chuẩn thỏa thuận.
Sự thành công của thỏa thuận này được các quan chức Nhật Bản và các nước thành viên khác xem như một liều thuốc để chống lại chủ nghĩa bảo hộ đang ngày càng tăng, và hy vọng rồi Washington cũng sẽ quay trở lại với hiệp định.
Australia cho biết CPTPP sẽ thúc đẩy xuất khẩu nông nghiệp, trị giá hơn 36,91 tỷ USD trong năm nay, mặc dù hạn hán đã làm tê liệt vùng duyên hải phía đông của đất nước.
"CPTPP sẽ mang lại cho người nông dân trồng ngũ cốc ở Australia lý do để mỉm cười. Trong bối cảnh hạn hán gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, tàn phá mùa màng, hiệp định này đảm bảo cho người nông dân được tiếp cận thị trường và ngũ cốc cũng có giá cao hơn một khi điều kiện thời tiết thuận lợi hơn trở lại", một quan chức của Australia nhận định.
Thỏa thuận này sẽ giảm thuế quan hơn 13% GDP toàn cầu - tổng cộng 10 nghìn tỷ USD, trong các nền kinh tế thành viên.
BẢO NGHI (Lược dịch từ Devdiscourse & Reuters)