Chuyến thăm Nga đầu tiên của Thủ tướng Đức kể từ năm 2015 được xem là dấu hiệu tích cực cho thấy đối thoại giữa hai nhà lãnh đạo được nối lại sau những căng thẳng kéo dài liên quan đến vấn đề Ukraine.
|
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Reuters |
Tổng thống Nga Putin đã chào đón nồng nhiệt đoàn đại biểu do Thủ tướng Đức Merkel dẫn đầu. Trong cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo cùng thảo luận nhiều nội dung quan trọng trong đó có triển vọng về quan hệ song phương cũng như những vấn đề nổi cộm hiện nay như cuộc khủng hoảng miền Đông Ukraine, cuộc nội chiến Syria, bất ổn Libya, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và nhiều vấn đề khác trong khu vực.
Có thể thấy, lần gặp hiếm hoi này là cơ hội quý giá để hai nhà lãnh đạo Đức và Nga bày tỏ quan điểmvề nhiều vấn đề cùng quan tâm. Liên quan đến vụ tấn công bằng vũ khí hóa học bởi Syria mà Nga bị cáo buộc có liên quan, Tổng thống Putin nhấn mạnh cần phải điều tra kỹ lưỡng tỉ mỉ và khách quan không thể đưa ra những kết luận vội vàng.
Hai nhà lãnh đạo Nga và Đức đều tán thành việc đẩy mạnh tiến trình đàm phán trong khuôn khổ Astana và Geneve, cùng nhấn mạnh rằng cuộc xung đột tại Syria chỉ có thể được giải quyết bằng con đường hòa bình và dưới sự bảo trợ của Liên Hợp Quốc.
Về vấn đề gai góc Ukraine, vốn là căn nguyên gây ra căng thẳng giữa Nga và phương Tây, Tổng thống Putin kêu gọi thúc đẩy hơn nữa hoạt động trong khuôn khổ "Bộ tứ" Normandy trong đó không thể thiếu vai trò quan trọng của Nga và Đức.
Về phần mình, Thủ tướng Merkel gọi Nga là đối tác xây dựng đồng thời nhấn mạnh, bằng mọi giá Thỏa thuận Minsk phải được thực hiện nghiêm túc, để qua đó có thể mở ra hi vọng cho việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế mà cả Nga và phương Tây đang áp dụng trả đũa lẫn nhau.
“Thật không may là tình hình ở miền Đông Ukraine chưa đạt được nhiều tiến bộ như mong muốn. Vì thế, chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết tình hình, kể cả khi phải bắt đầu lại từ con số không.
Điều quan trọng nhất là, các bên phải tôn trọng lệnh ngừng bắn Minsk. Bởi từ đây mới có thể dẫn tới những bước đi chính trị liên quan. Nếu không có những nỗ lực thì thật khó để các bên tiếp tục làm việc theo định dạng này cũng như để Đức hay Nga tiếp tục vai trò của mình trong giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine”, bà Merkel nói.
Liên quan đến thông tin cáo buộc rằng Nga can thiệp vào đời sống chính trị của nhiều nước, Tổng thống Nga Putin một lần nữa khẳng định: “Chúng tôi không bao giờ can thiệp vào đời sống chính trị và các tiến trình chính trị nội bộ các nước khác, và chúng tôi cũng muốn rằng, không ai can thiệp và cuộc sống chính trị cũng như đời sống của đất nước chúng tôi” .
Trước báo giới, Thủ tướng Merkel thừa nhận rằng, mối quan hệ Nga và Đức vẫn còn tồn tại nhiều bất đồng sâu sắc song điều quan trọng là cả hai cùng mong muốn được hiểu nhau hơn thông qua những cuộc đối thoại, tiếp xúc song phương trong tương lai.
Ngoài các vấn đề quốc tế, chuyến thăm của bà Merkel đến Nga lần này còn để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến diễn ra ở Hamburg, Đức vào đầu tháng 7 tới. Tại cuộc họp báo, người đứng đầu chính phủ Đức đã gọi Nga là đối tác quan trong trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới.
Còn Tổng thống Nga cũng tuyên bố Moscow sẵn sàng dành cho Berlin những hỗ trợ cần thiết khi Đức đang giữ cương vị Chủ tịch Nhóm G20. Có thể thấy, G20 đang được cho là “sân chơi” duy nhất để Nga có cơ hội gặp gỡ các cường quốc khác sau khi nước này bị tẩy chay khỏi khuôn khổ nhóm G8, trong đó có cuộc gặp lần đầu tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trmp.
Giới quan sát bình luận, chuyến thăm Nga của Thủ tướng Đức lần này chưa được coi đạt được đột phá lớn trong việc hóa giải mâu thuẫn sâu sắc giữa Nga và Đức cũng như giữa Nga với phương Tây song ít ra cả hai đã cố gắng không đề cập đến những bất đồng để tạo bầu không khí hòa hảo.
Thêm nữa, chuyến thăm của Thủ tướng Merkel diễn ra sau khi ông chủ điện Kremlin gửi tín hiệu sẵn sàng “bình thường hóa hoàn toàn” với Đức trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel hồi tháng 3 vừa qua./.
Theo VOV