Một góc Bảo tàng Quốc gia Aleppo bị tàn phá nghiêm trọng. Ảnh: UN
"Thành phố cổ Aleppo đã phải chịu thiệt hại lớn trong hơn 4 năm qua. Việc tàn phá bảo tàng này là một đòn đau mới cho di sản và lịch sử của tất cả người dân Syria. Một lần nữa, tôi kêu gọi tất cả các bên chấm dứt bạo lực và không để các di sản văn hóa dính líu đến cuộc xung đột", bà Irina Bokova - Tổng giám đốc của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) cho biết.
Theo báo cáo xác nhận của Tổng cục cổ vật và bảo tàng Syria, Bảo tàng Quốc gia Aleppo đã bị trúng đạn súng cối hôm 11/7 vừa qua, gây thiệt hại lớn cho các mái và cấu trúc tòa nhà.
Aleppo - thành phố lớn nhất của Syria - đã bị tàn phá bởi các cuộc xung đột đang diễn ra ở đất nước, đến nay đã bước sang năm thứ 6 và cướp đi mạng sống của hơn 1/4 triệu người. UNESCO - cơ quan chịu trách nhiệm xác định các địa điểm văn hóa độc đáo, đã công nhận thành phố cổ Aleppo là một trong 5 di sản thế giới ở Syria, đưa ra một kế hoạch hành động kéo dài 3 năm hồi tháng 8/2013 nhằm ngăn chặn thâm các thiệt hại và sửa chữa những hư hại vào bất cứ thời gian và địa điểm nào có thể, nhưng tất cả 6 di sản này giờ đây đều đã bị phá hủy hoặc hư hại rất nghiêm trọng.
Theo bà Bokova, Bảo tàng Quốc gia là bảo tàng quan trọng nhất ở Aleppo, với hàng ngàn hiện vật phản ánh tất cả các giai đoạn lịch sử của Syria, trong đó có một mảng quan trọng về Hồi giáo. Hầu hết các bộ sưu tập đã được di dời đến Tổng cục Cổ vật và Bảo tàng Syria và đưa đến nơi an toàn, nhưng vẫn còn nhiều lo ngại cho các hạng mục không thể vận chuyển được, bà Bokova cho biết.
Nhắc lại lời kêu gọi tất cả các bên tham chiến cần kiềm chế không nhắm mục tiêu tấn công, cũng như không sử dụng các tài sản văn hóa cho mục đích quân sự, bà Bokova nhấn mạnh rằng, UNESCO lên án tất cả các hành động tàn phá di sản kể từ khi bùng nổ các cuộc xung đột đến nay, cho dù kẻ chủ mưu có là ai đi nữa.
UNESCO đã làm việc với Tổng cục Cổ vật và Bảo tàng Syria nhằm hỗ trợ việc bảo vệ các di sản văn hóa của Syria, thông qua chương trình đào tạo của các chuyên gia, cung cấp tài liệu và các sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức.
Tổng giám đốc cho biết, UNESCO đang tăng cường hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia và các tổ chức trên thế giới và trên khắp cả đất nước Syria, để bảo vệ các di sản của nước này, theo tinh thần cuộc họp của các chuyên gia được tổ chức tại Berlin hồi đầu tháng 6 vừa qua, cùng hợp tác với Đức.
Thành phố cổ Aleppo - được công nhận là Di sản Thế giới của UNESCO năm 1986 - đã được liệt kê vào danh sách Di sản thế giới gặp nguy hiểm kể từ năm 2013. Tình trạng này đã được xác nhận trong phiên thứ 40 của Ủy ban Di sản Thế giới, đang diễn ra tại Istanbul từ ngày 10/7-20/7.
Tố Quyên (Lược dịch từ UN & Dailymail)