ClockThứ Ba, 26/02/2019 20:43

Đông Nam Á bừng sáng với các thành phố thông minh

TTH.VN - Đông Nam Á là khu vực có một số thành phố phát triển nhanh nhất thế giới. Các chính phủ và tổ chức trong khu vực đang tăng gấp đôi nỗ lực để làm cho các thành phố được trang bị, kết nối tốt hơn và dễ tiếp cận hơn đối với người dân.

Nhật Bản hỗ trợ Đông Nam Á xây dựng "thành phố thông minh"Giải pháp thông minh ở các thành phố ASEAN giúp cải thiện chất lượng cuộc sốngHàn Quốc lên kế hoạch xây dựng "thành phố thông minh" ở Campuchia

Kết nối nhanh chóng dựa trên kỹ thuật số đóng vai trò quan trọng trong các thành phố thông minh. Ảnh: Computer World

Nỗ lực này đã và đang tạo ra một số thành phố thông minh nổi bật, một vài thành phố trong số đó đang cạnh tranh với những thành phố thông minh tốt nhất trên toàn cầu.

Mỗi thành phố đều có điểm mạnh và điểm yếu riêng; vì vậy, định nghĩa về một thành phố thông minh có thể khác nhau, nhưng có cùng những thông số nhất định như tiếp cận cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông công cộng lành mạnh, hệ thống giáo dục giúp người dân nhận thức và có động lực, cùng những hệ thống thân thiện với môi trường.

Ngoài ra, kết nối nhanh chóng dựa trên các yếu tố kỹ thuật số, như mạng lưới vạn vật kết nối internet (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (ML) và dữ liệu lớn đóng vai trò quan trọng.

Dưới đây là các thành phố thông minh hàng đầu Đông Nam Á dựa vào những thông số nói trên: 

Singapore, Singapore

Singapore là viên ngọc quý trong số các thành phố thông minh của Đông Nam Á. Đáng chú ý, theo bảng xếp hạng Chỉ số các Thành phố thông minh hàng đầu thế giới năm 2018 của Trường Kinh doanh IESE ở Barcelona (Tây Ban Nha), Singapore được xếp ở vị trí thứ 6. Điều này cho thấy, Singapore là thành phố thông minh hơn so với thành phố Toronto (Canada) và Amsterdam (Hà Lan).

Khi nói đến kỹ thuật số, Singapore liên tục khiến thế giới ngạc nhiên với các phương tiện tự lái, nền tảng cảm biến thông minh và những phát triển liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI). Chi tiêu cho công nghệ thông tin của Chính phủ Singapore thuộc hàng cao nhất trong Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Mandalay, Myanmar

Mandalay, thành phố lớn thứ 2 của Myanmar nỗ lực để trở thành thành phố thông minh. Ủy ban Phát triển Thành phố Mandalay (MCDC) và Tổng cục Phát triển Nhà và Định cư Myanmar (DHSHD) đang có kế hoạch phát triển đô thị trong vòng 25 năm.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) hỗ trợ thành phố này với sự hỗ trợ kỹ thuật và tài chính thông qua Dự án Cải thiện Dịch vụ Đô thị Mandalay. Dự án có kế hoạch phát triển hệ thống cấp nước, xử lý nước thải và quản lý chất thải rắn của Mandalay.

Ngoài ra, Mandalay đang sử dụng các cảm biến IoT trên toàn thành phố để theo dõi vấn đề về nước. Thành phố cũng sử dụng máy bay không người lái để giúp lập bản đồ thành phố trong quy hoạch hệ thống thoát nước. Các trung tâm điều khiển tự động được sử dụng để tránh tắc nghẽn giao thông.

Phuket, Thái Lan

Phuket là một phần của dự án thí điểm các thành phố thông minh, được bắt đầu ở Thái Lan vào năm 2016. Cho đến nay, Chính phủ Thái Lan đã và đang đầu tư 13 triệu USD vào dự án này để có được một hệ sinh thái kỹ thuật số. Chương trình dự kiến mang lại mức tăng trưởng 4,5% cho nền kinh tế Phuket trong 5 năm tới.

Bên cạnh đó, Chính phủ Thái Lan còn sử dụng các phân tích dữ liệu lớn để giám sát và nâng cấp dịch vụ du lịch của thành phố Phuket.

Đà Nẵng, Việt Nam

Đà Nẵng, thành phố lớn thứ 5 của Việt Nam có kế hoạch cho cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông thông minh đến năm 2020. Đà Nẵng đang tập trung vào việc làm cho thành phố thân thiện với môi trường trong vòng 2 năm tới. Thành phố cũng đang giám sát sự phát triển của Chính phủ điện tử và truy cập trực tuyến chi phí thấp trong một số lĩnh vực.

Nhiều công ty quốc tế như Asian Tech, Mabuchi Motor và Nippon Seiki đang hỗ trợ để thúc đẩy thành phố tăng tốc phát triển cơ sở hạ tầng như điện, viễn thông, cáp quang và các giải pháp dựa trên đám mây.

Bangkok, Thái Lan

Bangkok đang nỗ lực cải thiện hệ thống giao thông công cộng. Thành phố đang nhắm mục tiêu 60% cư dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng để đi lại hàng ngày, so với mức 40% hiện nay; đồng thời có kế hoạch phát triển mạng lưới đường sắt nhanh chóng lên hơn 500 km đến năm 2029.

Bangkok cũng có Park Ventures Ecoplex, tòa nhà đầu tiên trong thành phố đạt chứng nhận Bạch kim về Định hướng Thiết kế về Năng lượng và Môi trường (LEED).

Thành phố New Clark, Philippines

New Clark là một thành phố xanh công nghệ cao, với các phương tiện tự lái, máy bay không người lái và robot, đây là thành phố thông minh đầu tiên của Philippines.

Sáng kiến ​​này được tài trợ thông qua quan hệ đối tác công tư, dự kiến cung cấp nhà ở cho 2 triệu cư dân và đem về 30 tỷ USD hàng năm cho nền kinh tế Philippines.

Jakarta, Indonesia

Jakarta bắt đầu quy hoạch thành phố thông minh cách đây 4 năm. Trong đó, cư dân Jakarta bắt đầu sử dụng ứng dụng thành phố thông minh có tên Qlue. Người dân có thể sử dụng ứng dụng truyền thông xã hội này để trực tiếp báo cáo vấn đề của họ đến chính quyền địa phương và các tổ chức kinh doanh có trách nhiệm.

Ngoài các dịch vụ công dân điện tử, Jakarta còn có kế hoạch đưa ra những sáng kiến ​​như chiếu sáng đường phố thông minh và xe tự lái.

Hà Nội, Việt Nam

Kế hoạch Hành động Thành phố thông minh của Hà Nội được bắt đầu vào năm 2016, nhằm đưa thủ đô trở thành một thành phố xanh, bền vững và hiện đại đến năm 2030. Kế hoạch này bao gồm một Trung tâm Điều hành thông minh bao gồm một trung tâm giám sát, điều hành giao thông và phòng chống tội phạm.

Theo Công ty Ericsson (Thụy Điển), lợi thế của Hà Nội nằm trong kế hoạch 5G của thành phố  có thể ứng dụng công nghệ 5G trong vòng 2 năm tới, góp phần kết nối, đưa Hà Nội đến gần hơn với một thành phố IoT.

LÊ THẢO (Lược dịch từ Sociable & Property Hunter)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

COP29: Công nghệ kỹ thuật số và AI có thể thúc đẩy hành động khí hậu

Cuối tuần qua, các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực công nghệ và môi trường tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP29 của Liên hợp quốc (LHQ) đang diễn ra ở Baku (Azerbaijan) đã thông qua một tuyên bố cam kết sử dụng công nghệ số để đẩy nhanh hành động vì khí hậu. Đồng thời, tuyên bố cũng cam kết nỗ lực giảm lượng khí thải carbon và ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất công nghệ và giải quyết vấn đề rác thải điện tử đang ngày càng gia tăng.

COP29 Công nghệ kỹ thuật số và AI có thể thúc đẩy hành động khí hậu
88% người tiêu dùng Đông Nam Á dựa vào AI để quyết định mua hàng

Trong sách trắng đầu tiên về việc áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong thương mại điện tử tại Đông Nam Á, nền tảng thương mại điện tử Lazada cho biết, nghiên cứu mới của họ đã phát hiện ra phần lớn người tiêu dùng ở Đông Nam Á đang sử dụng AI để đưa ra quyết định mua hàng.

88 người tiêu dùng Đông Nam Á dựa vào AI để quyết định mua hàng
Return to top