Một người bán dạo nước ép trái cây tại Bangkok đang chờ khách. Ảnh: AFP
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), nhu cầu lương thực ở khu vực Đông Nam Á tăng gần 40% vào năm 2050. Sự tăng lên này cùng với sự mở rộng tầng lớp trung lưu trong khu vực dự báo sẽ dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về các loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.
Thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao là gì?
Thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao là các loại thực phẩm cung cấp chất dinh dưỡng nhiều hơn hẳn so với những loại thực phẩm thông thường. Các thực phẩm này được tạo thành từ các sản phẩm “nutraceutical” (chế phẩm hỗ trợ dinh dưỡng), thực phẩm chức năng và các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao (ví dụ như các sản phẩm hữu cơ).
Do đắt hơn thực phẩm thông thường nên thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao chủ yếu hấp dẫn chủ yếu người thành thị và sẵn có ở các khu vực thành thị. Hơn nữa, nhiều nước trong khu vực đang trải qua giai đoạn gia tăng dân số đô thị. Đến năm 2050, tổng dân số các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dự kiến sẽ đạt trên 700 triệu và tỷ lệ dân số đô thị dự kiến sẽ đạt khoảng 65%, tăng 17% so với hiện tại.
Theo báo cáo của Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO), sức hấp dẫn của thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao đối với dân cư đô thị chủ yếu là do các lý do sau.
Thứ nhất, khi dân số tăng lên, tất nhiên nhu cầu thực phẩm cũng tăng lên. Cụ thể, khi tầng lớp trung lưu tăng lên, nhu cầu về thực phẩm an toàn hơn bắt đầu có xu hướng tăng lên. Thứ hai, việc tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn ngày càng tăng ở châu Á là một yếu tố dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ bệnh mạn tính. Trước thực tế này, nhiều người dân đô thị đã ưu tiên sử dụng các loại thực phẩm có tốt cho sức khoẻ.
Một cuộc khảo sát của Nielsen (công ty hàng đầu toàn cầu về thông tin và đo lường cho phép các công ty hiểu khách hàng và các hành vi của người tiêu dùng) năm 2000 cho thấy, 93% người tiêu dùng châu Á- Thái Bình Dương sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho thực phẩm tốt cho sức khoẻ. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, người tiêu dùng trong khu vực đang bắt đầu mua các sản phẩm thương mại công bằng và các mặt hàng thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng.
Tiềm năng to lớn
Mặc dù việc sản xuất thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao trong khu vực còn khá mới mẻ nhưng điều đó không có nghĩa là Đông Nam Á không có tiềm năng. Trong khu vực, Thái Lan đang dẫn đầu về nông nghiệp hữu cơ với doanh số bán thực phẩm hữu cơ tăng 7% hàng năm. Singapore đang nhanh chóng trở thành trung tâm thực phẩm chức năng bằng việc thành lập Trung tâm Nghiên cứu Dinh dưỡng lâm sàng vào năm 2014 nhằm nghiên cứu tìm hiểu cách sử dụng thức ăn để ngăn ngừa và kiềm chế bệnh mạn tính, thúc đẩy quá trình lão hóa lành mạnh.
Thị trường thực phẩm chức năng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ đạt 5 tỷ USD vào năm 2026 đã thu hút những công ty khởi nghiệp tìm cách thâm nhập và khai thác tiềm năng to lớn này.
Ngọc Hà
(Tổng hợp và dịch từ theaseanpost)