|
Giá lúa mì giảm trong tháng 7 do nguồn cung lúa mì toàn cầu lớn. Ảnh: FAO
|
Chỉ số giá lương thực của FAO, một thước đo thương mại nhằm theo dõi giá cả thị trường quốc tế đối với 5 nhóm thực phẩm chính là thịt, sữa, ngũ cốc, dầu thực vật và đường đạt trung bình 161,9 điểm trong tháng 7, giảm 0,8% so với tháng 6 và thấp hơn 1,4% trong cùng kỳ năm 2015.
Sự suy giảm được cho là do sự sụt giảm về giá bán của ngũ cốc và dầu thực vật. Trong đó, giá ngũ cốc giảm 5,6% so với tháng 6, bởi ngô trượt giá mạnh nhờ vào điều kiện thời tiết thuận lợi ở các khu vực trồng ngô then chốt của Mỹ, nhà sản xuất và xuất khẩu ngô lớn nhất thế giới.
Cũng trong tháng 7, giá lúa mì giảm chủ yếu do nguồn cung toàn cầu lớn và triển vọng xuất khẩu từ khu vực Biển Đen.
Đối với dầu thực vật, loại thực phẩm này có giá bán giảm 2,8% so với tháng 6. Giá dầu thực vật giảm trong tháng thứ 3 liên tiếp chủ yếu do giá dầu cọ sụt xuống mức thấp nhất trong vòng 5 tháng qua. Điều này phản ánh sự phục hồi trong hoạt động sản xuất dầu cọ ở Đông Nam Á, kết hợp với nhu cầu nhập khẩu toàn cầu. Bên cạnh đó, giá dầu đậu nành, dầu hướng dương và dầu hạt cải cũng giảm, nhờ vào triển vọng khả quan hơn về nguồn cung so với dự đoán trước đó.
Trong khi đó, giá sữa tăng 3,2% so với tháng 6, giá bơ cũng cho thấy sự trỗi dậy mạnh nhất trong nhóm thực phẩm này. Tuy vậy, chúng vẫn ở mức rất thấp so với những năm gần đây.
Ngoài ra, giá thịt tăng 1,3% so với tháng 6. Giá bán đối với tất cả các sản phẩm thịt vẫn giữ ở mức ổn định, bởi sự thiếu hụt của đàn lợn thịt trong Liên minh châu Âu, cũng như sản lượng thịt cừu và thịt bò giảm ở châu Đại Dương. Đáng chú ý, nhu cầu về thịt vẫn còn khá mạnh, nhờ sự phục hồi trong việc mua hàng của Trung Quốc và hoạt động nhập khẩu bền vững của một số quốc gia khác ở châu Á.
Giá đường trong tháng 7 tăng 2,2%, phần lớn chịu ảnh hưởng từ việc đồng tiền Brazil tăng mạnh so với đồng đô la Mỹ trong thời gian này.
Lê Thảo (Lược dịch từ UN & Clevelandstar)