Mực và bạch tuộc của Việt Nam là mặt hàng rất được ưa chuộng ở Hàn Quốc. Ảnh: Safimex
Theo đó, Hàn Quốc là thị trường tiêu thụ mực và bạch tuộc Việt Nam lớn nhất trong năm ngoái, chiếm 40% tổng giá trị, theo Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tăng 23,7% lên 269,8 triệu USD. Đây là tốc độ tăng trưởng cao nhất được ghi nhận trong 7 thị trường nhập khẩu mực và bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam. Nhu cầu tiêu dùng ổn định và lợi thế về thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) đã giúp duy trì mức tăng trưởng xuất khẩu ổn định, ANN nêu rõ.
Trong năm ngoái, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng hàng năm 8,3% lên 672,3 triệu USD từ xuất khẩu mực và bạch tuộc. Giá trị xuất khẩu của các sản phẩm này sang Nhật Bản và ASEAN năm 2018 cũng tăng lần lượt 4% và 15% so với năm 2017.
Trong khi đó, EU, thị trường nhập khẩu lớn thứ ba về mực và bạch tuộc của Việt Nam, chiếm 12,4% trong tổng số, đã giảm 21,7% so với năm trước về giá trị xuất khẩu xuống còn 83 triệu USD, với nguyên nhân một phần được cho là do Ủy ban châu Âu (EC) áp đặt cảnh báo thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam. Xuất khẩu sang ba thị trường chính ở EU là Ý, Tây Ban Nha và Pháp - giảm lần lượt 30%, 8,3% và 1,2% trong năm qua.
Không có cảnh báo thẻ vàng, Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng hơn 50% hàng năm đối với xuất khẩu mực và bạch tuộc sang thị trường EU trong năm 2017.
Năm 2018, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm mực và bạch tuộc tươi sống hoặc đông lạnh, chiếm 67% sản lượng xuất khẩu, trong khi sản phẩm chế biến chiếm 33%.
Năm nay, giá trị xuất khẩu của mực và bạch tuộc dự kiến sẽ tương tự như năm 2018. Ngành thủy sản, bao gồm mực và bạch tuộc, sẽ thực hiện các giải pháp để EC xoá bỏ thẻ vàng, tạo tâm lý tốt cho các nhà nhập khẩu, ANN đưa tin.
Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hoè cho biết năm nay ngành thủy sản sẽ có cơ hội lớn để tăng xuất khẩu vì tiêu thụ thủy sản toàn cầu có khả năng tăng. Đến năm 2020, tiêu thụ được dự báo sẽ tăng lên 98,6 triệu tấn ở các nước đang phát triển và 29,2 triệu tấn ở các nước phát triển, trong khi nguồn cung ước tính chỉ đạt 78,6 triệu tấn. Đây là một cơ hội tuyệt vời cho Việt Nam nếu sản phẩm của đất nước đạt tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu.
Ngoài ra, khi các FTA có hiệu lực, các doanh nghiệp địa phương sẽ được hưởng lợi từ việc loại bỏ các hàng rào thuế quan.
"Chúng tôi dự báo trong năm nay, tổng giá trị xuất khẩu của ngành thủy sản sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD, tăng trưởng 10 - 15% mỗi năm," ông Hoè lạc quan nói.
Để đạt được mục tiêu này, ông Hoè cho biết ngành sẽ tập trung phát triển xuất khẩu sang các thị trường quan trọng như EU, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc và kiểm soát chất lượng hải sản để tăng giá trị sản phẩm.
Bảo Nghi (Lược dịch từ ANN)