EU sẽ cung cấp gần 9 tỷ euro cho các sáng kiến về an ninh lương thực, dinh dưỡng, và nông nghiệp bền vững ở hơn 60 quốc gia trong giai đoạn 2014-2020. Ảnh: WFP
Báo cáo cảnh báo, những cuộc khủng hoảng này chủ yếu do xung đột và mất an ninh, cùng với bất ổn kinh tế và những cú sốc liên quan đến khí hậu như hạn hán và lũ lụt. Trong đó, châu Phi là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
"Báo cáo toàn cầu về các cuộc khủng hoảng lương thực năm 2019" của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp quốc (FAO), Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Liên minh châu Âu (EU) chỉ ra, Afghanistan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Nigeria, Nam Sudan, Sudan, Syria và Yemen là 8 quốc gia chiếm gần 2/3 tổng số người đối mặt với nạn đói cấp tính trên toàn thế giới.
Được biết, nghiên cứu thường niên này được tiến hành cách đây 3 năm, nhằm đánh giá các quốc gia phải đối mặt với những khó khăn lớn nhất.
Trong một động thái liên quan, Giám đốc Chương trình Khẩn cấp của FAO, ông Dominique Burgeon nói với Hãng tin AFP rằng, các quốc gia châu Phi bị "ảnh hưởng không cân xứng" khi có gần 72 triệu người trên lục địa này hứng chịu nạn đói cấp tính.
Ở các quốc gia đang trên bờ vực nạn đói, "lên đến 80% dân số phụ thuộc vào nông nghiệp. Họ cần cả viện trợ nhân đạo khẩn cấp về lương thực và các biện pháp để hỗ trợ thúc đẩy nông nghiệp", ông Dominique Burgeon nói thêm.
Báo cáo nhấn mạnh, căng thẳng đang đè nặng lên các quốc gia có số lượng lớn người tị nạn, bao gồm cả các quốc gia láng giềng với Syria, cũng như Bangladesh.
"Các cuộc khủng hoảng lương thực tiếp tục là một thách thức toàn cầu, đòi hỏi những nỗ lực chung. EU tiếp tục đẩy mạnh những nỗ lực nhân đạo của mình. Trong 3 năm qua, EU đã phân bổ ngân sách hỗ trợ dinh dưỡng và thực phẩm nhân đạo lớn nhất từ trước đến nay, với tổng cộng gần 2 tỷ euro", Ủy viên Hỗ trợ Nhân đạo và Quản lý Khủng hoảng của EU, ông Christos Stylianides khẳng định.
Cũng theo ông Christos Stylianides, các cuộc khủng hoảng lương thực đang trở nên sâu sắc và phức tạp hơn, cần những cách thức đổi mới để giải quyết và ngăn chặn chúng xảy ra.
Trong giai đoạn 2014-2020, EU sẽ cung cấp gần 9 tỷ euro cho các sáng kiến về an ninh lương thực và dinh dưỡng, cũng như nông nghiệp bền vững ở hơn 60 quốc gia.
Lê Thảo (Lược dịch từ Devdiscourse, AFP & UN News)