Các nhà ngoại giao và quan chức chính phủ của các nước trong tiểu vùng sông Mekong và Hàn Quốc chụp ảnh tại Diễn đàn doanh nghiệp Mekong-Hàn Quốc, diễn ra hồi ngày 13/12 tại Seoul (Hàn Quốc). Ảnh: Korea Rehald
Tiểu vùng sông Mekong mở rộng là một khu vực địa lý xuyên quốc gia dọc theo lưu vực sông Mekong ở Đông Nam Á, trải dài suốt 5.000 km qua Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Bất chấp việc là “người đi sau” trong sự phát triển khu vực ở Đông Nam Á, các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong đã chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ và đạt được nhiều tiến bộ trong phát triển kinh tế - xã hội trong những năm gần đây. Cụ thể, vào năm 2017, tốc độ tăng trưởng trung bình vượt mức 6,8%.
Khi các nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á nỗ lực thúc đẩy an ninh chính trị, hợp tác và hội nhập kinh tế - xã hội, tiểu vùng sông Mekong trở thành động lực chính, hỗ trợ tăng trưởng cho toàn khu vực với nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, lực lượng lao động trẻ, năng động và thị trường người tiêu dùng với khoảng 250 triệu người. Ngoài ra, Mekong cũng có bề dày về văn hóa và tự nhiên không thể thay thế được. Vì vậy, khu vực được xem là một trong những môi trường sống của đa dạng sinh học và là nhà cung cấp thực phẩm quan trọng bậc nhất trên thế giới.
Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Lee Tae-ho trong bài phát biểu gần đây cho hay: "Trong chính sách miền Nam mới của Tổng thống Moon Jae-in, tiểu vùng sông Mekong đóng một vị trí rất quan trọng, qua đó Hàn Quốc sẽ tìm kiếm sự hợp tác mạnh mẽ hơn với khu vực Đông Nam Á dựa trên 3 trụ cột chính là con người, thịnh vượng và hòa bình”.
Với kinh nghiệm của Hàn Quốc, quốc gia này có thể cung cấp cho các nước thuộc tiểu vùng sông Mekong những lời khuyên đúng đắn khi đối mặt với thách thức trong quá trình phát triển. Hai bên có thể phối hợp trong phát triển cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin và truyền thông, tăng trưởng xanh và tài nguyên nước, nhân lực, nông nghiệp và phát triển nông thôn. Vì thịnh vượng chung, chính phủ Hàn Quốc sẵn sàng hợp tác với khu vực Mekong trong những lĩnh vực kể trên, các quan chức cấp cao Hàn Quốc khẳng định.
Đan Lê (Lược dịch từ Korea Rehald)