Ảnh minh hoạ. Nguồn: Devdiscourse
Mặc dù nỗ lực của các Chính phủ nhằm cắt giảm ô nhiễm và lượng khí thải carbon từ dầu và khí đốt, cơ quan có trụ sở tại thủ đô Vienna của Áo dự báo, sự tăng trưởng nhanh chóng của các nền kinh tế mới nổi, như Ấn Độ và Trung Quốc, sẽ thúc đẩy nhu cầu về các sản phẩm hóa dầu.
Nhu cầu dầu trong vận tải được dự kiến sẽ chậm lại đến năm 2050, do sự gia tăng của các loại xe điện và động cơ đốt hiệu quả hơn, nhưng điều này sẽ được bù đắp bởi nhu cầu về hóa dầu tăng lên, IEA lưu ý trong một báo cáo.
"Ngành hóa dầu là một trong những điểm mù của cuộc tranh luận năng lượng toàn cầu và rõ ràng đây sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu dầu trong nhiều năm tới", Giám đốc điều hành IEA, ông Fatih Birol nói với hãng tin Reuters.
Hóa dầu được dự kiến sẽ chiếm hơn 1/3 tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu đến năm 2030, và gần 1/2 tăng trưởng nhu cầu đến năm 2050, theo cơ quan giám sát năng lượng của thế giới.
Nhu cầu toàn cầu về nguyên liệu hóa dầu đạt 12 triệu thùng/ngày (bpd), tương đương khoảng 12% tổng nhu cầu dầu trong năm 2017. Con số này được dự báo sẽ tăng lên gần 18 triệu thùng/ngày vào năm 2050.
Hầu hết tăng trưởng trong nhu cầu sẽ diễn ra ở khu vực Trung Đông và Trung Quốc, nơi các nhà máy hóa dầu lớn đang được xây dựng.
Những công ty dầu mỏ như Exxon Mobil và Royal Dutch Shell có kế hoạch đầu tư vào các nhà máy hóa dầu mới trong những thập kỷ tới, đặt cược vào nhu cầu về nhựa tăng cao. Việc sử dụng nhựa ngày càng được giám sát hơn, trong bối cảnh chất thải nhựa đổ ra các đại dương gây hại cho sinh vật biển, khiến một số quốc gia cấm hoàn toàn, cấm một phần hoặc đánh thuế túi nhựa dùng một lần.
Tuy nhiên, báo cáo của IEA nhận định, nỗ lực của các Chính phủ nhằm khuyến khích việc tái chế để kiềm chế lượng khí thải carbon sẽ chỉ có tác động nhỏ đến tăng trưởng hóa dầu.
Báo cáo cho biết, các dự án hóa dầu sẽ chiếm 7% trong khoảng 850 tỷ m3 nhu cầu dầu khí gia tăng trong giai đoạn 2017-2030, và 4% mức tăng dự kiến cho năm 2050.
Lê Thảo (Lược dịch từ Devdiscourse)