Thị trường thương mại điện tử ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang phát triển nhanh chóng. Ảnh: ADB
Tại một hội nghị quốc tế ở thủ đô Tashkent của Uzbekistan diễn ra ngày hôm nay (27/6), báo cáo chung của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á và Thái Bình Dương (UNESCAP) của Liên Hiệp quốc nhận định, thương mại điện tử đang tạo điều kiện để các doanh nghiệp vừa và nhỏ của khu vực châu Á và Thái Bình Dương tiếp cận thị trường toàn cầu, cũng như cạnh tranh trên quy mô quốc tế, đồng thời tạo ra nhiều việc làm trong quá trình này.
Tuy nhiên, khu vực này trước tiên phải giải quyết những vấn đề khó khăn về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và tăng cường các khuôn khổ pháp lý.
"Các công nghệ kỹ thuật số mới nổi đang chuyển đổi cảnh quan thương mại điện tử, cũng như đưa ra một loạt các giải pháp và cơ hội hiện đại để xây dựng sự phát triển bao trùm và thúc đẩy sự đổi mới lớn hơn", ông Bambang Susantono, Phó Chủ tịch ADB chuyên trách Quản lý Tri thức và Phát triển Bền vững cho biết.
“Điều đó mang lại cơ hội để thu hẹp các khoảng cách phát triển, cho dù là nhân khẩu học, kinh tế, địa lý hay văn hóa. Nó cũng giúp thu hẹp khoảng cách nông thôn-đô thị. Tuy nhiên, việc nhận ra tiềm năng đầy đủ của thương mại điện tử cần các nỗ lực phối hợp khu vực và toàn cầu”, ông Bambang Susantono nói thêm.
Đáng chú ý, báo cáo trên tiến hành xem xét cách thức các công nghệ của Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, bao gồm công nghệ chuỗi khối, Internet kết nối vạn vật, học máy, trí tuệ nhân tạo và thế hệ mạng di động thứ 5 (5G), cũng như những công nghệ khác sẽ chuyển đổi ngành công nghiệp thương mại điện tử và giúp mở khóa tiềm năng năng động của nó.
Báo cáo nhấn mạnh, khu vực châu Á và Thái Bình Dương là thị trường thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C) lớn nhất thế giới và đang tiếp tục phát triển nhanh chóng.
Đến cuối năm 2015, quy mô thương mại điện tử liên quan đến tổng sản phẩm quốc nội là 4,5% ở châu Á và Thái Bình Dương, so với mức 3,1% và 2,6% tương ứng ở khu vực Bắc Mỹ và châu Âu. Thị phần bán lẻ trực tuyến của khu vực châu Á và Thái Bình Dương được dự kiến sẽ đạt khoảng 1/2 tổng số toàn cầu đến năm 2020.
Dù vậy, sự phát triển về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và sự sẵn sàng về kinh tế xã hội để gia nhập thị trường thương mại điện tử vẫn còn khác biệt trong khu vực. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết để các Chính phủ thực hiện những nỗ lực mạnh mẽ hơn nhằm bắt kịp xu hướng phát triển.
Ngoài ra, tuy có sự tiến bộ đáng kể về tiếp cận và tính khả dụng đối với Internet cơ bản, khu vực này tụt lại sau mức trung bình của thế giới về tốc độ và khả năng chi trả các dịch vụ băng thông rộng, cũng như sự sẵn có của các máy chủ Internet an toàn.
Bên cạnh đó, tính sẵn có của thanh toán thay thế cũng khác nhau ở những quốc gia trong khu vực. Theo báo cáo, các tùy chọn thanh toán trực tuyến còn hạn chế, nhiều nền kinh tế trong khu vực vẫn dựa vào chi trả tiền mặt khi giao hàng khi mua hàng trực tuyến.
Qua đó, báo cáo đưa ra các khuyến nghị chính sách để giúp làm giảm rào cản đối với sự phát triển của thương mại điện tử. Việc phát triển một hệ sinh thái thương mại điện tử khả thi đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện và nỗ lực phối hợp của tất cả các bên liên quan trong phát triển thương mại điện tử, bao gồm Chính phủ các quốc gia, các tổ chức phát triển quốc tế, hiệp hội thương mại và các cơ quan công nghiệp, cũng như doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Những ưu tiên chính sách cần thiết lập khung pháp lý cho thương mại điện tử, hài hoà các luật và tiêu chuẩn quốc tế, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, mở rộng truy cập Internet và khả năng chi trả, đồng thời hỗ trợ cơ sở hạ tầng tài chính và thanh toán điện tử.
Lê Thảo (Lược dịch từ ADB)