|
Trẻ em tị nạn chạy trốn khỏi thành phố Aleppo ở phía tây bắc Syria đang chờ đi qua biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AFP
|
Ông Jerome Oberreit, người đứng đầu tổ chức từ thiện MSF cho hay, việc đóng cửa biên giới của các nước láng giềng Syria đồng nghĩa với việc từ chối mạng sống của những người bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột.
"Chúng tôi cần phải đảm bảo rằng, biên giới giữa Syria và các nước lân cận khác vẫn được mở cửa. Đó là đường sống và mọi người nên có quyền chạy trốn khỏi cuộc xung đột", ông Oberreit khẳng định, đồng thời phản đối ý tưởng thiết lập vùng an toàn bên trong Syria, bởi hành động này có thể dẫn đến nhiều trường hợp tử vong ở khu vực biên giới.
Nhận định này được đưa ra sau khi 28 người, tất cả đều là thường dân thiệt mạng trong một cuộc tấn công vào một trại tạm trú của người dân Syria di dời đến tỉnh Idlib, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa biên giới và nói rằng nước này không còn đủ khả năng để tiếp nhận thêm người tị nạn vào lãnh thổ của mình.
Được biết, hàng triệu người đã được di dời do cuộc xung đột kéo dài hơn 5 năm gây ra tình trạng khủng hoảng nhân đạo ở Syria. Nhiều người đi qua biên giới các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và Jordan. Tuy nhiên, 3 nước láng giềng này đang tiếp tục thực hiện các hạn chế nghiêm ngặt tại cửa khẩu biên giới của họ.
|
Người tị nạn Syria mắc kẹt giữa biên giới Jordan và Syria Ảnh: PressTV
|
Người đứng đầu MSF cũng lưu ý tình hình bi đát của các bệnh viện và nhân viên của tổ chức này ở Syria, khi hàng chục cơ sở của MSF trở thành mục tiêu của các cuộc không kích và tên lửa trong những tháng qua.
"Chúng tôi đang làm việc trong một môi trường rất khắc nghiệt và không may thay, rất nhiều cơ sở đã bị ảnh hưởng", ông Oberreit nói thêm.
Trước đó vào hôm 28/4, một trong những bệnh viện của MSF tại Aleppo đã bị phá hủy bởi các cuộc không kích. Theo số liệu thống kê của MSF, ít nhất 55 người thiệt mạng trong vụ việc xảy ra ở cơ sở y tế Al-Quds.
Lê Thảo (Lược dịch từ PressTV & Huffingtonpost)