Các Thống đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong một bức ảnh chung tại các cuộc họp mùa Xuân của IMF và WB ở Washington, Mỹ. Ảnh: Reuters
Động thái này nhận được sự nhất trí của Ủy ban Phát triển WB-IMF nhóm họp tại Washington (Mỹ) trong các cuộc họp mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB).
Theo đó, 7,5 tỷ USD vốn sẽ được chuyển cho Ngân hàng Quốc tế về Tái thiết và Phát triển (IBRD), tổ chức cho vay chính trực thuộc WB và 5,5 tỷ USD cho Công ty Tài chính quốc tế (IFC), tổ chức cho vay hỗ trợ khu vực tư nhân. IBRD chứng kiến lần tăng vốn gần đây nhất vào năm 2010.
Được biết, Nhật Bản dự kiến đóng góp 1,1 tỷ USD trong tổng số vốn. Ngoài ra, Mỹ, nhà đóng góp lớn nhất của Ngân hàng Thế giới cũng đồng ý với động thái nói trên, nhằm đổi lấy những cải cách quy định cho vay.
Bên cạnh đó, Ủy ban Phát triển WB-IMF cũng nhất trí điều chỉnh cổ phần trong IBRD để trao tiếng nói lớn hơn cho các nền kinh tế mới nổi.
Ngày 21/4, Ủy ban hướng dẫn chính sách của IMF kết thúc cuộc họp 2 ngày, khẳng định trong một tuyên bố chung rằng, tăng trưởng kinh tế được cải thiện kể từ khi họ nhóm họp hồi tháng 10 năm ngoái, nhưng "nguy cơ tài chính gia tăng, cùng những căng thẳng leo thang về thương mại và địa chính trị, kết hợp với nợ toàn cầu ở mức cao lịch sử" đặt ra một mối đe dọa cho triển vọng.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, Tổng Giám đốc điều hành IMF, bà Christine Lagarde lưu ý thêm, các thành viên cũng lên tiếng lo ngại về sự mở rộng của chủ nghĩa bảo hộ.
Tuy nhiên, bà Lagarde nhận định: "Chúng tôi hy vọng một cách chắc chắn rằng, với vai trò của thương mại hiện đang hỗ trợ tăng trưởng, điều này sẽ không phải là một trở ngại cho thương mại tự do, đóng góp vào tăng trưởng tốt hơn như chúng ta đang chứng kiến bây giờ".
Thanh Ngân (Lược dịch từ Nikkei)