Thủ phạm là con người
Cháy rừng Amazon gây hậu quả nặng nề cho biến đổi khí hậu. Ảnh: Alamy
Ông Christian Poirier, Giám đốc chương trình tổ chức phi lợi nhuận Amazon Watch, nói: “Phần lớn những đám cháy này là do con người gây ra”. Ông cho biết thậm chí cả trong mùa khô, rừng Amazon ẩm ướt không dễ bắt lửa như những vùng đất hoang nhiều bụi rậm khô cằn ở California hay Australia. Nông dân và người chăn thả gia súc từ lâu đã dùng lửa để phát quang đất và có thể họ là thủ phạm gây ra những đám cháy bất thường ở Amazon những ngày gần đây.
Trung tâm Nghiên cứu Vũ trụ Brazil (INPE) cho biết số đám cháy ở Brazil cao hơn năm ngoái 80%. Hơn một nửa xảy ra ở khu vực Amazon, gây thảm họa cho hệ sinh thái và môi trường trong khu vực.
Ông Alberto Setzer, nhà khoa học cấp cao tại INPE cho biết 99% đám cháy là hậu quả của con người, dù là cố tình hay vô tình.
Bộ trưởng Môi trường Brazil Ricardo Salles nói ngày 21/8 trên Twitter rằng cháy rừng là do thời tiết khô, gió và nóng. Tuy nhiên, các chuyên gia khí tượng co rằng cháy rừng ở Amazon chắc chắn do con người gây ra và không thể đổ cho nguyên nhân tự nhiên như sét đánh.
Các nhà nghiên cứu môi trường và nhà bảo tồn lo ngại chính sách phát quang rừng của Brazil là thủ phạm gây cháy rừng và sẽ chỉ làm cho khủng hoảng biến đổi khí hậu thêm tồi tệ.
Hậu quả thảm khốc
Rừng Amazon tạo ra khoảng 20% lượng ôxy của cả thế giới và thường được gọi là lá phổi của hành tinh. Theo Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên, nếu rừng Amazon bị hủy hoại không thể thay đổi được, nó có thể bắt đầu thải ra carbon – tác nhân chính gây biến đổi khí hậu.
So với với những năm trước đó, thiệt hại của cháy rừng Amazon năm nay là chưa từng có tiền lệ.
Bà Robin Chazdon, Giáo sư tại Đại học Connecticut, nói: “Ảnh hưởng của phá rừng ở Amazon không chỉ gói gọn ở Amazon. Nó ảnh hưởng tới tất cả chúng ta”.
Trong tuần này, báo chí đều đưa tin về cảnh tượng giật mình khi màn khói dày đặc từ cháy rừng Amazon bay xa tới 3.200km phủ kín thành phố Sao Paulo của Brazil, khiến thành phố tối đen ngay giữa ban ngày.
Tuy nhiên, Giáo sư Chazdon cho biết còn có rủi ro hơn mà mọi người chưa nhận ra. Bà nói: “Có những hậu quả lớn đối với biến đổi khí hậu toàn cầu vì đám cháy thải ra carbon. Nếu các rừng mưa không được tái sinh hoặc trồng lại, rừng cũng sẽ không thể phục hồi khả năng hấp thu carbon”.
Những dải rừng mưa rộng lớn đóng vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái thế giới vì chúng hấp thu nhiệt thay vì phản chiếu trở lại bầu khí quyển. Rừng mưa cũng hút khí CO2 và nhả ra ô xy, đảm bảo thải ra ít carbon hơn và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, với những đám cháy rừng dữ dội, nghiên cứu cho thấy có thể mất hơn một thế kỷ để hồi phục lại khả năng hút CO2 mà rừng đã mất đi.
Bà Chazdon nói: “Rừng có thể mọc lại sau đám cháy nhưng sẽ không thể nếu cứ vài năm lại xảy ra cháy và nếu đất rừng bị biến thành đất nông nghiệp”.
Rừng Amazon bị thu hẹp và biến thành đất trống có thể khiến chức năng của rừng không thể phục hồi dễ dàng.
Theo CNBC, rừng mưa Amazon trải dài 9 quốc gia và là rừng mưa lớn nhất thế giới, rộng bằng nửa nước Mỹ.
INPE cho biết rừng Amazon cháy với tỷ lệ kỷ lục. Chỉ trong năm nay và chỉ ở Brazil đã có hơn 74.000 vụ cháy, gần gấp đôi số vụ của cả năm 2018.
Theo phân tích dữ liệu của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ, trong ba tháng qua, Brazil đã chứng kiến cháy rừng nhiều gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018.
Các nhà sinh thái khẳng định khi mất càng nhiều rừng, hậu quả càng đáng sợ. Cây ở Amazon giúp đưa nước từ đất vào bầu khí quyển, tạo ra lượng mưa cần thiết cho các khu vực khác. Đa dạng sinh thái cũng sẽ mất đi và đây sẽ là thiệt hại nặng nề với hành tinh. Hàng chục nghìn loài cây, hàng trăm nghìn côn trùng và các dạng sống hoang dã khác trong rừng Amazon sẽ bị ảnh hưởng. Chúng ta sẽ mất hàng triệu, hàng triệu động vật.
Do đó, bảo vệ và khôi phục rừng Amazon chưa bao giờ khẩn cấp hơn bây giờ.
Theo VOV