ClockThứ Năm, 30/08/2018 10:22

Việt Nam khẳng định vai trò hàng đầu của LHQ trong ngăn ngừa xung đột

Ngày 29/8, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc (LHQ) đã tổ chức phiên thảo luận mở của về chủ đề “Hòa giải và Giải quyết hòa bình tranh chấp.”

Việt Nam được đề cử vào vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ​LHQ là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của VN40 năm Việt Nam gia nhập LHQ: Một điển hình về hợp tác phát triển

 

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ. Ảnh: Hoài Thanh/TTXVN

Phát biểu khai mạc, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cho rằng trong bối cảnh tranh chấp và xung đột diễn ra ngày càng phức tạp và lan rộng, các thỏa thuận hoà bình dễ bị đổ vỡ, cộng đồng quốc tế cần thể hiện sự quyết tâm và sáng tạo trong việc tìm kiếm các giải pháp hòa bình, trong đó có trung gian hòa giải.

LHQ sẵn sàng hỗ trợ những nỗ lực này qua việc thúc đẩy vai trò của Tổng Thư ký và các đại diện, đặc phái viên của Tổng Thư ký, các cơ quan hỗ trợ trên thực địa, Ủy ban tư vấn cấp cao về hòa giải; tăng cường quan hệ đối tác với các chuyên gia hòa giải khu vực và quốc tế.

Tổng Thư ký cho rằng hòa giải và giải quyết tranh chấp chỉ đạt được tiến triển thực chất khi các bên hiểu biết lẫn nhau với quyết tâm chính trị cao. Tổng Thư ký cũng nhấn mạnh Hội đồng Bảo an cần sử dụng hiệu quả hơn các công cụ hòa giải và truyền tải thông điệp rõ ràng về việc các bên liên quan cần ưu tiên giải quyết hòa bình các tranh chấp và xung đột, kiềm chế sử dụng vũ lực.

Các nước phát biểu đều ủng hộ giải quyết xung đột và tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở Chương 6 của Hiến chương LHQ; hoan nghênh nỗ lực trung gian hòa giải của LHQ đã đạt được một số tiến triển tích cực thời gian qua, trong đó có Tuyên bố hòa bình và hữu nghị của Ethiopia và Eritrea, bầu cử tổng thống ở Liberia và đối thoại giữa chính phủ với các nhà lãnh đạo địa phương và tôn giáo ở Nam Sudan; khẳng định vai trò quan trọng của các tổ chức khu vực, tiểu khu vực và sự tham gia của phụ nữ trong các tiến trình hòa giải, bầu cử, xây dựng và giữ vững hòa bình.

Venezuela, đại diện Phong trào Không Liên kết, nhấn mạnh mọi biện pháp trung gian hòa giải cần tính tới lợi ích chính đáng và phải được sự đồng ý của các bên liên quan, bảo đảm nguyên tắc khách quan, bình đẳng, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ quốc gia và bảo đảm sự bình đẳng trong quan hệ quốc tế.

Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, khẳng định vai trò hàng đầu của LHQ trong việc ngăn ngừa xung đột, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình như quy định tại Điều 33 Hiến chương LHQ và hỗ trợ các nước khắc phục hậu quả xung đột.

Để hỗ trợ tốt hơn các hoạt động hòa giải hiện nay, Đại sứ cho rằng LHQ cần sử dụng hiệu quả các công cụ sẵn có về ngoại giao phòng ngừa và trung gian hòa giải, trong đó có vai trò của Tổng Thư ký và các cơ quan hỗ trợ Tổng Thư ký, tăng cường điều phối trong LHQ và giữa LHQ với các tổ chức khu vực và tiểu khu vực nhằm hỗ trợ các nước giải quyết nguyên nhân gốc rễ của xung đột.

Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh vai trò của các tổ chức khu vực trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, cho biết ASEAN đã và đang đóng góp tích cực nhằm tăng cường đối thoại và hiểu biết lẫn nhau, thúc đẩy môi trường hợp tác và hữu nghị, xây dựng và thực thi các quy tắc, chuẩn mực ứng xử trong khu vực, thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa để kiểm soát bất đồng và giải quyết tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Theo Vietnam+

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nét nhân văn quân sự đặc sắc của dân tộc Việt Nam

Trong các cuộc chiến tranh giữ nước suốt chiều dài lịch sử dân tộc, cùng với sử dụng sức mạnh quân sự để đánh bại kẻ thù xâm lược, dân tộc Việt Nam đã phát huy cao độ yếu tố chính nghĩa và nhân văn của cuộc chiến tranh đang tiến hành để đánh bại kẻ xâm lược phi nghĩa. Tiếp nối truyền thống đó, trong và sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng, Chính phủ và Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nhất quán chủ trương đối xử khoan hồng, nhân đạo đối với tù, hàng binh.

Nét nhân văn quân sự đặc sắc của dân tộc Việt Nam
Hải quân Nhân dân Việt Nam: 69 năm hành trình giữ biển

Ngày 7/5/1955, Bộ Quốc phòng ra Nghị định thành lập Cục Phòng thủ bờ bể, là “cơ quan giúp Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo các lực lượng phòng thủ bờ bể, tổ chức đào tạo cán bộ, nhân viên thủy thủ; sản xuất, sửa chữa dụng cụ, phương tiện về thủy quân; xây dựng các thủy đội để bàn giao cho các khu và liên khu làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trên các vùng sông, biển”; trở thành mốc lịch sử đánh dấu sự ra đời của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Hải quân Nhân dân Việt Nam 69 năm hành trình giữ biển
Return to top