Hãng hàng không Jetstar đã nối lại các chuyến bay đến Bali, sau vụ phun trào thứ hai của núi lửa Agung trong vòng một tuần đã buộc hãng này phải hủy các chuyến bay đến hòn đảo thiên đường này đêm qua.
Núi lửa Agung phun trào đám bụi khói cao 1.500m lên trời. Ảnh: AP
Hãng này cho biết các phi công cấp cao của họ đã đánh giá tình hình tro bụi núi lửa ở các điểm du lịch phổ biến và thấy rằng tình hình đãan toàn để thực hiện các chuyến bay.
Hãng sẽ tiến hành 18 chuyến bay giữa Bali và Úc hoặc Singapore vào Chủ Nhật, trong khi 3 chuyến bay từ Singapore, Townsville và Perth (Úc) vẫn bị hủy.
Sự việc xảy ra sau khi ngọn núi lửa này phun ra những đám khói cao hàng trăm mét vào không trung, lần thứ hai kể từ hôm thứ ba vừa rồi trong vòng chỉ một tuần, buộc các chuyến bay quốc tế bị tê liệt và người dân phải di tản.
Người dân chứng kiến cảnh phun trào của núi lửa Agung lần thứ 2 trong tuần qua. Ảnh: AFP
Trước đó, ít nhất 4 chuyến bay của Jetstar và 1 của Qantas giữa các sân bay Úc và Bali đã được điều hướng đến các sân bay khác.
Theo ghi nhận của các phóng viên, từ miệng núi, một đám mây hơi nước và đá cháy dày đặc được phun lên cao ít nhất 1.500 mét so với đỉnh núi cao 3.000 mét của ngọn núi lửa, với cường độ gấp đôi so với lần phun hôm thứ ba, khiến hàng loạt các nhà dân ở gần ngọn núi phải nhanh chóng di tản.
Ngay khi hiện tượng xảy ra, những người sống trong vòng bán kính 7,5 km quanh ngọn núi đã được thông báo phải sơ tán, chuyên gia về núi lửa Gede Suantika cho biết và khuyên người dân nên bình tĩnh.
Vào tháng 9 vừa qua, ngọn núi hung dữ này cũng đã khiến đến 140.000 người phải sơ tán.
Vụ phun trào mới đây đã khiến hàng nghìn người sống trong bán kính 7,5km quanh núi lửa phải sơ tán. Ảnh: AFP/Sonny Tumbelaka
Trung tâm Tư vấn Núi lửa Darwin cho biết, đám mây tro bụi núi lửa đã lên cao đến 25.000ft và đang di chuyển về phía nam.Tuy nhiên, các hãng hàng không như Batik Air, Garuda và AirAsia Indonesia hiện vẫn đang hoạt động bình thường.
Tro núi lửa có thể gây tổn hại đáng kể đến các hệ thống, cảm biến và động cơ của máy bay. Một số hãng, như Australian Airlines đưa các nguyên tắc an toàn cực kỳ thận trọng đối với tro núi lửa. Do đó, những người có ý định du lịch vào thời điểm này nên kiểm tra trang web của các hãng hàng không.
Phát ngôn viên Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Quốc gia Indonesia - Sutopo Purwo Nugroho cho hay tình trạng cảnh báo của núi lửa vẫn ở mức cao thứ hai. Tuy nhiên, không có sự gia tăng hoạt động địa chấn, ông nói.
Hiện đã có ban bố về việc cấm bay trongbán kính 7,5km từ miệng núi lửa.
Tính từ tháng 9 đến nay, đã có khoảng 25.000 người không thể trở về lại nhà của mình do phải sơ tán, khi núi lửa Agung lần đầu tiên có dấu hiệu hoạt động trở lại trong hơn nửa thế kỷ.
Vụ phun trào lớn cuối cùng của núi Agung là vào năm 1963 khi có khoảng 1.100 người thiệt mạng.
Hiện có tộng cộng 129 núi lửa đang hoạt động ở Indonesia, quốc gia vạn đảo nằm trên Vành đai lửa Thái bình dương (Pacific Ring of Fire).
Thế Vĩnh (lược dịch từ News.au.com)