Một phụ nữ Iraq bật khóc khi gặp lại người thân qua hàng rào trại tị nạn Al-Khazer ngày 4/11/2016. Ảnh: Reuters
Nhiều người đã bật khóc khi lần đầu tiên lại được nhìn thấy những người thân yêu của mình sau hơn 2 năm ròng.
"Đây là gia đình của tôi, đây là những người thân của tôi, tôi không thể diễn tả được cảm giác lúc này", bà Ziyad Ezz-Eldin xúc động bên hàng rào của trại tị nạn Al-Khazer, gần Hassan Sham, phía đông thành phố Mosul.
Nâng cao một bé gái sơ sinh cho người thân bên hàng rào được nhìn thấy. Ảnh: Reuters.
Người dân Iraq gặp lại những người thân đã chạy trốn khỏi Mosul ở hàng rào quanh trại tị nạn Al-Khazer, phía đông của thành phố Mosul, Iraq ngày 4/11/2016. Ảnh: REUTERS
"Tôi đã không được nhìn thấy họ trong hai năm rưỡi. Họ đã rời đi vào giai đoạn đầu cuộc khủng hoảng, nhưng tôi thì ở lại Mosul, đây là số phận của chúng tôi. Cuộc sống dưới thời của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) thật khủng khiếp", bà Ziyad cho biết.
Hàng ngàn người đã rời bỏ Mosul từ khi quân đội Iraq và các lực lượng đặc biệt, lực lượng dân quân Shiite, các chiến binh người Kurd và các nhóm khác, dưới sự hỗ trợ của các cuộc không kích do Mỹ dẫn đầu, đã phát động chiến dịch để tái chiếm lại thành phố gần 3 tuần trước đây.
Một cậu bé được quân lính Iraq giúp đưa ra khỏi một trận đánh với IS ở Quận Intisar phía đông Mosul, Iraq. Ảnh: REUTERS
Những người dân trong trại tị nạn phải ở lại đó cho đến khi được kiểm tra an ninh và các thủ tục khác để đảm bảo an toàn.
Trong khi đó, một số thành viên trong các gia đình đã rời khỏi Mosul vào năm 2014, đứng bên ngoài khu kiểm tra một cách thiếu kiên nhẫn để chờ đợi được gặp người thân.
"Cha mẹ tôi đang ở Mosul, họ ở lại đó, tôi đã rời đi mà không có họ. Tôi đã không nhìn thấy họ trong hai năm rưỡi, làm có thể chấp nhận được điều này", anh Abu Zahed nói, nhấn mạnh, "tôi chỉ mong được gặp lại họ. Đó là tất cả những gì tôi muốn".
LHQ cho biết, 22.000 người đã phải di dời từ khi bắt đầu các cuộc tấn công ở Mosul, không bao gồm hàng nghìn người khác từ các làng lân cận buộc phải đến Mosul do lực lượng Nhà nước Hồi giáo sử dụng họ làm lá chắn sống.
Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & News)